Thế giới

Khi nhu cầu tiêu thụ lúa mì ngày càng tăng, châu Á lo ngại về an ninh lương thực

ClockChủ Nhật, 27/11/2022 14:39
TTH - Trong 10 năm qua, việc tiêu thụ lúa mì ở châu Á đã tăng hơn 30% do người dân dần đa dạng hóa chế độ ăn uống. Trong khi các loại thực phẩm làm từ lúa mì như bánh mì, mì sợi… đã trở nên phổ biến và quen thuộc gần như lúa gạo, thì việc trồng lúa mì ở châu Á lại không dễ dàng, buộc nhiều nước phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

ADB kêu gọi tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước ở châu Á - Thái Bình DươngSâu hại lan đến châu Á, đe doạ an ninh lương thực và đời sống nông dân

Nhu cầu tiêu thụ lúa mì ở châu Á đã tăng hơn 30% trong 10 năm qua. Ảnh minh họa: AP/NLD

Tiêu thụ lúa mì tăng mạnh

Nguồn cung ngũ cốc của châu Á đặc biệt dễ bị tác động bởi các rủi ro địa chính trị. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng lúa mì được tiêu thụ ở các nước lớn tại châu Á đạt 337 triệu tấn vào năm 2021, tăng 34% so với năm 2010. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo chỉ tăng 14% trong cùng thời kỳ. Tiêu thụ lúa mì ở châu Á, không tính Trung Quốc, đã tăng 35% lên 189 triệu tấn trong năm ngoái.

Tại Philippines, tiêu thụ lúa mì đã tăng gấp đôi trong khoảng 10 năm qua. Chuỗi hơn 1.000 nhà hàng thức ăn nhanh Jollibee hiện đang phục vụ nhiều món làm từ lúa mì, chẳng hạn như bánh mì hamburgers và mì spaghetti. Mức tiêu thụ cũng đã tăng gấp đôi ở Việt Nam, nơi mà mì ăn liền hiện đang sánh ngang với phở, xét về mức độ phổ biến. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), lượng tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam đạt 8,56 tỷ gói trong năm 2021, cao hơn 50% so với Nhật Bản – quê hương của món mì ăn liền.

Sự gia tăng lượng tiêu thụ lúa mì có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng. Theo nhận định của ông Jules Hugot, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): “Việc tiêu thụ lúa mì gia tăng ở châu Á góp phần đa dạng hóa nguồn lương thực, có thể giúp giảm thiểu rủi ro khi lúa gạo mất mùa”. Tuy nhiên, quan điểm này dựa trên giả định châu Á sẽ ít gặp trở ngại trong việc nhập khẩu lúa mì.

Không giống như gạo, lúa mì rất khó trồng ở nhiều vùng Đông Nam Á do khu vực này có thời tiết nóng ẩm. Dữ liệu của USDA cho thấy nhu cầu tiêu thụ lúa mì ở Malaysia, Việt Nam, Philippines và Indonesia gần như hoàn toàn dựa vào nhập khẩu. Theo Liên Hiệp Quốc, Malaysia phụ thuộc vào Ukraine với hơn 20% lượng nhập khẩu lúa mì, trong khi Bangladesh phụ thuộc vào Nga hơn 15%.

Nỗi lo an ninh lương thực bị đe dọa

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước châu Á đã đặt hy vọng vào Ấn Độ, một nhà sản xuất lúa mì lớn trong khu vực, bên cạnh Trung Quốc. Hồi tháng 4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này “đã có đủ lương thực cho người dân, và nông dân của chúng tôi dường như đã sẵn sàng để cung cấp lương thực cho thế giới”. Tuy nhiên, vào tháng 5, Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu lúa mì để ưu tiên thị trường nội địa. Quá bất ngờ, nhiều quốc gia châu Á đã phải cạnh tranh để tìm được các nhà cung cấp thay thế.

Hầu hết các nước châu Á không áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Nga. Bangladesh đã ký thỏa thuận nhập khẩu khoảng 500.000 tấn lúa mì từ Nga, và đã nhận được 52.500 tấn vào tháng 10, theo truyền thông địa phương. Thỏa thuận này cho thấy sự phụ thuộc lớn của Bangladesh vào lúa mì của Nga, vốn có giá rẻ hơn nhiều so với lúa mì nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu tiêu thụ lúa mì ngày càng tăng trên thế giới cũng ảnh hưởng đến Nhật Bản – nước phụ thuộc tới gần 90% nguồn cung lúa mì từ nhập khẩu. Nhật Bản hiện phải cạnh tranh với các quốc gia đang tìm cách đảm bảo nguồn lúa mì từ Mỹ - nhà cung cấp lúa mì chính của nước này.

Trong bối cảnh đó, một số công ty thực phẩm Nhật Bản đã phải tăng giá bán sản phẩm. Ông Nobuhiro Suzuki, Giáo sư Đại học Tokyo và là một chuyên gia về an ninh lương thực cho rằng “cần phải hỗ trợ khẩn cấp cho các nhà sản xuất ngũ cốc trong nước để thúc đẩy sản lượng. Nếu tình trạng gián đoạn trong vận tải hàng hải tái diễn và cản trở hoạt động nhập khẩu, chúng tôi sẽ không thể bảo vệ đất nước của mình, bất kể chúng tôi chi bao nhiêu cho quốc phòng”.

Thời tiết cực đoan ở các nước xuất khẩu chính cũng là một trong những lý do đẩy giá lúa mì lên cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo việc giá lương thực tăng vọt và thiếu nguồn cung có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và an ninh tài chính ở ASEAN, do lương thực thường chiếm từ 1/3 đến 1/2 chi tiêu hộ gia đình ở các nước này.

“Giá thành tăng cao đã làm gia tăng nỗi lo về an ninh lương thực ở nhiều khu vực thuộc châu Á và châu Phi, những nơi không thể tìm kiếm đủ nguồn cung từ thị trường quốc tế”, ông Erin Collier - chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định.

Theo đó, giải pháp duy nhất cho tình trạng mất an ninh giá lương thực toàn cầu trong dài hạn là đảm bảo năng suất cao nhất từ ​​sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, thông qua việc thúc đẩy kỹ thuật công nghệ trong nông nghiệp, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và tạo môi trường chính sách thuận lợi giữa các nước.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ Nikkei Asia & Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khách du lịch đến châu Á dự kiến​​ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025

Năm 2025, lượng khách du lịch đến châu Á được dự kiến ​​sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19, và tăng 4,7% so với năm 2019, Tạp chí The Business Times ngày 16/12 trích dẫn báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research, một đơn vị thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions cho hay.

Lượng khách du lịch đến châu Á dự kiến​​ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025
Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu

Hãng Thông tấn AFP ngày 11/12 trích dẫn cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho hay, tình trạng ô nhiễm “hóa chất vĩnh cửu” ở các vùng nước tại khu vực châu Âu thường vượt quá ngưỡng quy định, được đặt ra nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu
IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”
Return to top