Thế giới

Khoảng 258 triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp

ClockThứ Năm, 04/05/2023 16:05
TTH.VN - Trong một báo cáo vừa được công bố ngày 3/5, Liên Hiệp Quốc và các đối tác cho biết số người cần hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng và sinh kế khẩn cấp đã tăng năm thứ tư liên tiếp trong năm 2022 do xung đột, các cú sốc kinh tế, các thảm hoạ khí hậu và tác động của COVID-19.

Cần tiếp tục hành động khẩn cấp để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và dinh dưỡngĐể chống nạn đói, cần cải cách hệ thống lương thực toàn cầu

leftcenterrightdel
 Hơn 1/4 tỷ người trên Trái đất đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, đẩy số người cần việc trợ khẩn cấp lên mức cao kỷ lục trong năm 2022. ẢNh: AFP/TTXVN

Theo Báo cáo Toàn cầu mới nhất về Khủng hoảng Lương thực (GRFC), khoảng 258 triệu người ở 58 quốc gia phải đối mặt với nạn đói cấp tính ở mức độ khủng hoảng hoặc tồi tệ hơn thế trong năm 2022, tăng mạnh từ mức 193 triệu người ở 53 quốc gia trong năm 2021.

Đây là con số cao nhất trong 7 năm qua – kể từ khi báo cáo bắt đầu được thực hiện, mặc dù phần lớn sự gia tăng số người đối mặt với nạn đói nghiêm trọng phản ánh sự gia tăng lượng dân số được phân tích.

Một “bản cáo trạng nhức nhối”

“Hơn 1/4 tỷ người hiện đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng, và một số người đang trên bờ vực chết đói”, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết trong báo cáo.

Ông mô tả ấn bản mới nhất này là “một bản cáo trạng nhức nhối về sự thất bại của nhân loại trong việc đạt được tiến bộ hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững 2 - nhằm chấm dứt nạn đói và đạt được an ninh lương thực, cũng như cải thiện dinh dưỡng cho tất cả mọi người”.

Theo báo cáo, hơn 40% những người đang đối mặt với khủng hoảng hoặc ở mức độ tồi tệ hơn ở các quốc gia bị xung đột tàn phá như Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Afghanistan, Nigeria và Yemen; và con số tổng thể những người đang rất cần viện trợ lương thực hiện đã tăng năm thứ tư liên tiếp.

Báo cáo đã phân loại những người này theo 3 mức: “khủng hoảng”, “khẩn cấp” và nghiêm trọng nhất là mức “thảm họa”, trong đó ở mức “thảm hoạ”, 376.000 người đang trên bờ vực chết đói vào năm ngoái - với hơn một mửa sống ở Somalia, một quốc gia đang trải qua đợt hạn hán tàn khốc liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tháng trước, một nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế của World Weather Attribution (WWA) cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến hạn hán nông nghiệp ở vùng Sừng châu Phi “có khả năng cao hơn khoảng 100 lần”.

Hàng triệu trẻ em bị đe dọa

Báo cáo của LHQ cũng cho thấy trong 58 quốc gia phải đối mặt với nạn đói, người dân ở 7 quốc gia đang bên bờ vực chết đói và cơ cực rất cao vào một thời điểm nào đó trong năm ngoái, với gần 60% ở Somalia. Các quốc gia khác là Afghanistan, Burkina Faso, Nigeria, Nam Sudan, Yemen và Haiti.

Hơn nữa, trong 58 quốc gia được phân tích trong báo cáo, hơn 35 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị gầy còm hoặc suy dinh dưỡng trầm trọng, trong đó 9,2 triệu trẻ rơi vào tình trạng nghiêm trọng - dạng suy dinh dưỡng đe dọa tính mạng, nhất và là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

leftcenterrightdel
 Hàng triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở châu Phi. Ảnh: AFFP/TTXVN

Tuy vậy, Tổng thư ký Guterres cho biết, các khoản tài trợ nhân đạo để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng hiện “không đáng kể” so với mức cần có.

Tác động từ xung đột Ukraine

Theo báo cáo, các cuộc khủng hoảng lương thực năm ngoái là do “xung đột và mất an ninh, các cú sốc kinh tế và thời tiết khắc nghiệt”.

“Trong năm 2022, những động lực chính này có liên quan đến các tác động kinh tế xã hội kéo dài của COVID-19, tác động dây chuyền của cuộc chiến ở Ukraine, hạn hán lặp đi lặp lại và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác”.

Cuộc xung đột ở Ukraine từ tháng 2 năm ngoái đã kéo theo nhiều tác động do vai trò to lớn của Ukraine và Nga trong “việc sản xuất và buôn bán nhiên liệu, phân bón và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như lúa mì, ngô và dầu hướng dương”.

Tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm mở đường cho xuất khẩu lương thực thương mại từ ba cảng quan trọng của Ukraine ra thị trường thế giới, trong nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, “dù giá lương thực toàn cầu đã giảm vào cuối năm 2022, nhưng chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch”.

Mới đây, giới chức LHQ và các tổ chức phi chính phủ cảnh báo rằng số người chết vì đói đang gia tăng ở châu Phi do hạn hán trở nên tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu và xung đột.

Tổ chức Nhi đồng LHQ UNICEF cùng các tổ chức phi chính phủ Care và Oxfam cũng cho biết trung bình cứ 36 giây lại có một người chết đói ở Ethiopia, Kenya và Somalia.

Đổi mới và phối hợp

Trong khi các cuộc xung đột và các sự kiện thời tiết cực đoan tiếp tục gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cấp tính, thì sự suy giảm kinh tế do đại dịch СOVID-19 và tác động lan tỏa của cuộc chiến ở Ukraine cũng trở thành những yếu tố chính, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất thế giới, báo cáo nêu rõ. 

Theo đó, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi thay đổi mô hình theo hướng giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng lương thực, thay vì ứng phó với các tác động của chúng khi chúng xảy ra. Điều này sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận sáng tạo và sự phối hợp chặt chẽ hơn của các tổ chức quốc tế, chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức khu vực, xã hội dân sự và cộng đồng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

MỐI ĐE DỌA KHÍ HẬU TĂNG Ở ĐÔNG NAM Á:
Người dân tập trung vào an ninh lương thực

Theo Báo cáo về Khảo sát triển vọng khí hậu Đông Nam Á mới nhất của Viện ISEAS - Yusof Ishak, tuy các đợt sóng nhiệt kỷ lục, lũ lụt và bão xảy ra ở phần lớn khu vực Đông Nam Á vào năm 2024, nhiều người dân trong khu vực quan tâm đến các vấn đề thiết yếu như an ninh lương thực, hơn là biến đổi khí hậu.

Người dân tập trung vào an ninh lương thực
Return to top