Thế giới

Không đạt được thỏa thuận về vấn đề Biển Đông

ClockThứ Năm, 05/11/2015 07:04
TTH - Hôm qua (4/11), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, giữa Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác từ Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ, với kỳ vọng sẽ thảo luận hiệu quả các vấn đề nóng để đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó nổi cộm là vấn đề Biển Đông.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ở Kuala Lumpur ngày 4/11/2015. Ảnh: CNA.

Trước ADMM+, vào ngày 3/11, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) lần thứ 3 cũng đã được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, với sự tham dự của Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường lòng tin và đề xuất các hành động nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra trên hải phận quốc tế

Với chủ đề “Duy trì an ninh và ổn định khu vực vì người dân và do người dân”, trong đó cộng đồng chính trị an ninh là một trụ cột chính, ngay trong phiên khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Malaysia Hishamuddin Tun Husein nhấn mạnh, các nước cần tiếp tục phấn đấu để xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng trong bối cảnh môi trường chính trị và an ninh phức tạp và khó lường hiện nay.

Bên cạnh các vấn đề nóng của khu vực như nguy cơ lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề về an ninh an toàn hàng hải, tranh chấp lãnh thổ và tội phạm công nghệ cao, cuộc họp lần này diễn ra trong thời điểm căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là sau khi Mỹ đưa tàu chiến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông hồi tuần trước mà Mỹ cho là sự tuần tra theo nguyên tắc tự do hàng hải khiến Bắc Kinh nổi giận. Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin hoan nghênh hành động của Mỹ và cho rằng, các cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông rất quan trọng, các nước có quyền hoạt động trên các vùng biển quốc tế. Tuyên bố này của Malaysia được đưa ra sau khi các nước như Úc, Philippines, và Hàn Quốc cũng lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ tương tự đối với bước đi của Mỹ ở Biển Đông.

Đáng lưu ý, trước ngày diễn ra ADMM+ ở Kuala Lumpur ngày hôm qua, một loạt giới chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã khẳng định lực lượng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Trường Sa hoặc bất kỳ nơi nào trên không phận và hải phận quốc tế. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền đối với những đảo nhân tạo được bồi đắp xây dựng từ những bãi đá, bãi san hô như nhưng gì mà Trung Quốc vẫn thực hiện lâu nay.

Tuy nhiên, việc Mỹ đưa tàu chiến tới tuần tra vùng Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải - một hành động khiến Trung Quốc xem như một thách thức quân sự trực tiếp – đã khiến tình hình ngày càng trở nên khó khăn với các nước ASEAN đứng trung lập, một chuyên gia về an ninh khu vực nhận định. “Một số nước Đông Nam Á rõ ràng không muốn rơi vào tình thế khó xử khi họ buộc phải đứng một phía nào đó”, Bloomberg trích lời tiến sĩ Farish Noor, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam cho biết.

Với những tranh chấp trên Biển Đông, có 4 nước ASEAN bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc. Trong khi Philippines và Việt Nam muốn ASEAN phải hành động cứng rắn chống lại sự khẳng định ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, những quốc gia không có tranh chấp như Myanmar, Lào và Campuchia đang lo lắng về việc làm mếch lòng Bắc Kinh.

Không đạt được thoả thuận

Ngày 3/11, Reuters đưa tin Mỹ và Nhật Bản tích cực nỗ lực để đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị. Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng đó, tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác đã không thể được đưa ra như thường lệ do bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.

AFP ngày hôm qua (4/11) dẫn lời một quan chức phái đoàn Mỹ cho biết, ADMM+ rơi vào bế tắc do Trung Quốc đã mạnh mẽ vận động hành lang để loại bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi tuyên bố chung. Theo đó, “Trung Quốc nói họ không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài và không muốn đề cập đến vấn đề Biển Đông”, tuy nhiên, vị quan chức này nhấn mạnh rằng, “nhiều quốc gia ASEAN không chấp nhận quan điểm đó, cho thấy hành vi cải tạo các vùng đảo và quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc thực hiện đã gây ra sự chia rẽ lớn trong khu vực”.

Trong bối cảnh tranh cãi, thế bế tắc trong ADMM+ tuần này là không đáng ngạc nhiên, ông Richard Javad Heydarian, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Đại học De La Salle ở Manila cho biết.

“Quan điểm của Trung Quốc về cơ bản là ngăn chặn bất kỳ cuộc thảo luận nào về các tranh chấp ở Biển Đông, và rõ ràng đang kéo theo những hành động nhằm ngăn cản các tuyên bố đề cập đến hành vi gây mất ổn định trong khu vực”, ông Heydarian nói, nhưng nhận định thêm rằng, ASEAN muốn ngăn chặn những hành động của Trung Quốc, nhưng vẫn không muốn đẩy Trung Quốc ra khỏi nhóm quốc phòng 18 quốc gia này, dẫn đến thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay.

Tố Quyên (Tổng hợp & lược dịch từ Bloomberg, AP & Washingtonpost)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Return to top