Rửa tay đúng cách là phương pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong một báo cáo chung với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), WHO cho rằng, việc thiếu tiện nghi cơ bản này sẽ gây nguy hiểm cho các bệnh nhân và nhân viên tại các trung tâm y tế. Được biết, nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập được từ 165 quốc gia trên khắp thế giới.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Làm việc trong một cơ sở y tế không có nước, và vệ sinh cũng giống như việc cử y tá và bác sĩ đi làm việc mà không có thiết bị bảo hộ cá nhân”. Những yếu tố này đóng vai trò cơ bản để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng lớn cần được khắc phục, nhất là ở các quốc gia kém phát triển nhất.
Theo số liệu của WHO, trong khi các chuyên gia y tế chỉ chiếm chưa đến 3% dân số, họ lại chiếm đến 14% các trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên khắp thế giới.
Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore lưu ý: “Việc gửi nhân viên y tế và những người cần điều trị đến các cơ sở không có nước sạch, nhà vệ sinh an toàn, hay thậm chí là xà phòng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ”.
Báo cáo nói trên cũng cho thấy, cứ 3 cơ sở y tế trên thế giới thì có 1 cơ sở không thể đảm bảo vệ sinh tay, trong khi cứ 10 cơ sở thì có 1 cơ sở không được tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh. Những con số này thậm chí còn tồi tệ hơn đối với 47 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, nơi 1/2 số trung tâm chăm sóc sức khỏe không được tiếp cận với nước uống, 1/4 trung tâm không được tiếp cận với nước dành cho mục đích vệ sinh, và cứ 5 trung tâm thì có đến 3 trung tâm thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ AFP)