Khu vực đồng tiền chung Châu Âu Eurozone đang đứng trước tình trạng bất ổn do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và Brexit. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những tác động của dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu, điều này đã gián tiếp ảnh hưởng các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Romania.
Ảnh minh họa
Tại quốc gia láng giềng là Ba Lan, Văn phòng thống kê Trung ương Ba Lan công bố, lạm phát cơ bản tháng 1 năm nay đã chạm mốc 4.4%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 4.4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0.9% so với tháng trước. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2019 tại quốc gia này cũng đã tăng 3.4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0.8% so với tháng trước đó.Cụ thể, Văn phòng Thống kê Cộng hòa Séc cho biết, lạm phát tháng 1 vừa qua tại nước này đã đạt mức cao kỷ lục là 3.6%, tăng 0.4 phần trăm so với mức 3.2% của tháng 12 năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2012, và giới chuyên gia dự báo lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 3% trong các tháng tới khi các chi phí sinh hoạt đều tăng như giá thuê nhà, tiền điện, tiền thu gom rác thải sinh hoạt… Trước áp lực lạm phát, Ngân hàng Quốc gia Séc vừa qua đã phải nâng mức lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản lên 2.25%.
Tăng trưởng GDP tại một nền kinh tế Đông Âu khác là Hungary cũng đang có dấu hiệu chững lại. Số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng GDP của Hungary trong Quý IV năm 2019 đạt 4.5%, thấp hơn mức 5% trong quý trước đó. Như vậy, tăng trưởng GDP cả năm 2019 đạt mốc 4.9%. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng GDP bình quân năm 2020 của Hungary sẽ tiếp tục chững lại trong khoảng từ 3.7%-4% do ảnh hưởng của sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 ở mức 4.7%, cũng là mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Tương tự, Viện Thống kê Quốc gia Romania hôm qua cũng vừa công bố ước tính tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm 2019 đạt 4.1%, thấp hơn mức 7.1% và 4.4% tương ứng của hai năm trước đó là 2017 và 2018.
Tăng trưởng chậm lại của các quốc gia này diễn ra trong bối cảnh Khu vực đồng tiền chung Châu Âu Eurozone cũng đang đứng trước tình trạng bất ổn do ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các vấn đề trong khu vực, từ đại dịch Covid 19, các vấn đề hậu Brexit đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Những bất ổn này đã phần nào phơi bày điểm yếu của kinh tế Đông Âu, vốn bị coi là mắt xích yếu kém hơn trong tổng thể nền kinh tế EU. Không thể phủ nhận những bước tiến trong nội tại các nền kinh tế này như sự bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng nội địa, tuy nhiên xuất khẩu sang Tây Âu vẫn là một động lực quan trọng của các nền kinh tế Đông Âu.
Giới phân tích và các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều dự báo dè dặt về tín hiệu lạc quan của các nền kinh tế khu vực này bởi lẽ sự trì trệ của khu vực đồng tiền chung Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục đè nặng lên sự tăng trưởng của các quốc gia phía Đông, với số lượng lớn nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế đầu tàu như Đức hay Pháp.
Theo VOV