Thế giới

Kỷ lục nhiệt bị phá vỡ trên toàn cầu khi Trái đất nóng lên nhanh chóng

ClockThứ Bảy, 08/07/2023 15:29
TTH.VN - Sự gia tăng đột biến về nhiệt độ xảy ra khi các nhà dự báo cảnh báo rằng, Trái đất có thể đang bước vào thời kỳ ấm áp đặc biệt kéo dài nhiều năm, do hai yếu tố chính là: phát thải khí giữ nhiệt tiếp diễn, chủ yếu do việc đốt dầu, khí và than đá; và sự xuất hiện trở lại của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino.

WMO: Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất hành tinhĐông Nam Á cần phải đối phó với mùa nóng gay gắt

leftcenterrightdel
 Thời tiết nắng nóng kéo dài tại miền Nam nước Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu cho biết, hành tinh vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận, với những đợt sóng nhiệt nguy hiểm tại tiểu bang Texas của Mỹ, Mexico và Ấn Độ. Trong khi đó, ngoài khơi bờ biển Nam Cực, mức băng biển trong năm 2023 đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục.

Ở Bắc Đại Tây Dương, nhiệt độ của đại dương ở mức rất cao. Nhiệt độ bề mặt trong tháng 5 vừa qua đã ấm hơn 1,6 độ C so với nhiệt độ điển hình vào thời điểm này của năm, phá vỡ các kỷ lục trước đó với biên độ lớn bất thường.

Trong một nhận định liên quan, ông Brian McNoldy, cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Đại học Miami ở Mỹ cho rằng: “Điều đó khác xa so với những gì đã được quan sát đến mức bạn khó có thể hiểu được”.

Đáng chú ý, vào ngày 4/7 vừa qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên mức 17 độ C, khiến đây là ngày nóng nhất mà Trái đất từng trải qua ít nhất kể từ năm 1940, khi các kỷ lục bắt đầu được ghi nhận và thậm chí rất có thể là trước đó, theo một phân tích của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Zeke Hausfather, một nhà khoa học khí hậu tại Tổ chức Berkeley Earth và Công ty dịch vụ Stripe cho biết thêm, sự nóng lên nói chung của hành tinh là "rất phù hợp với những gì mà các nhà khoa học đã dự báo sẽ xảy ra", trong bối cảnh một lượng lớn khí nhà kính giữ nhiệt được thải ra khí quyển.

Nhìn chung, Trái đất đã nóng lên khoảng 1 độ C kể từ thế kỷ 19, và sẽ tiếp tục nóng hơn cho đến khi tất cả khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng được chấm dứt.

Tuy nhiên, các yếu tố khác có thể đã thúc đẩy nhiệt độ tăng nhanh đáng kể trong những tháng gần đây.

Chẳng hạn như, một hiện tượng thời tiết theo chu kỳ ở Thái Bình Dương, được gọi là Dao động phương Nam El Nino (ENSO) gây ra những dao động hàng năm bằng cách chuyển nhiệt vào và ra khỏi các lớp đại dương sâu hơn. Được biết, nhiệt độ bề mặt toàn cầu có xu hướng mát hơn trong những năm xuất hiện hình thái thời tiết La Nina và nóng hơn trong những năm xuất hiện El Nino.

Trong đó, ông Zeke Hausfather cho rằng: “Một lý do quan trọng khiến chúng ta đang chứng kiến quá nhiều kỷ lục bị phá vỡ là chúng ta đang chuyển từ một đợt La Nina kéo dài 3 năm bất thường…, sang một đợt El Nino mạnh”.

Điều này có lẽ cho thấy thậm chí sẽ có nhiều sức nóng hơn đang đến. El Nino hiện tại chỉ đang bắt đầu diễn ra, và nhiều nhà nghiên cứu không cho rằng hình thái thời tiết này sẽ đạt đỉnh cho đến tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau, với nhiệt độ toàn cầu sẽ chứng kiến thêm sự gia tăng đột biến trong những tháng sau đó. Điều này có nghĩa là năm 2024 có thể sẽ còn nóng hơn năm nay, các nhà khoa học nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những yếu tố khác cũng có thể tác động. Bắc Đại Tây Dương đã chứng kiến sức nóng kỷ lục kể từ đầu tháng 3 năm nay, trước khi điều kiện thời tiết El Nino bắt đầu. Một yếu tố có thể là hệ thống áp suất cao cận nhiệt đới được gọi là Azores High đã làm suy yếu gió thổi qua đại dương, và hạn chế lượng bụi thổi từ sa mạc Sahara, vốn thường giúp làm mát đại dương.

Đáng chú ý, nhiệt độ cao tăng vọt đã khiến một số nhà khí tượng học tăng cường cảnh báo về mùa bão năm 2023. Ngày 6/7, các nhà dự báo thời tiết tại Đại học Bang Colorado (Mỹ) cho hay, họ hiện đang dự báo một mùa bão ở Đại Tây Dương trên mức trung bình, với khoảng 18 cơn bão nhiệt đới, đây là một sự đảo ngược so với những dự báo được đưa ra trước đó về một năm “yên tĩnh” hơn bình thường.

Những cơn bão ở Đại Tây Dương thường bị ngăn chặn trong những năm El Nino, nhưng điều đó có thể sẽ không đúng trong năm nay, do nước đại dương ấm bất thường, điều này có thể sẽ thúc đẩy các cơn bão.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những nỗ lực gần đây để làm sạch ô nhiễm lưu huỳnh từ các tàu biển trên khắp thế giới có thể làm tăng nhẹ nhiệt độ, vì hợp chất lưu huỳnh dioxide có xu hướng phản xạ ánh sáng mặt trời và phần nào làm mát hành tinh. Tuy nhiên, tác động này vẫn đang được tranh luận.

Ông Gabriel Vecchi, một nhà khoa học khí hậu tại Princeton (Mỹ) nhận định: “Hiện tại dường như có sự hội tụ bất thường của các yếu tố nóng lên. Nhưng tất cả điều này đang xảy ra trong một thế giới, mà chúng ta đã và đang gia tăng phát thải khí nhà kính trong 150 năm qua, và điều đó thực sự gây khó khăn và dẫn đến nhiều khả năng hơn rằng, chúng ta sẽ bị đẩy vào vùng phá kỷ lục”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Straits Times & The New York Times)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 18/12 cho hay, Chính phủ Australia vừa đóng góp 13 triệu đô la Australia (tương đương 8,4 triệu USD) vào các nguồn lực cốt lõi của UNDP cho năm 2024. Đóng góp đáng kể này thể hiện cam kết liên tục của Australia đối với sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác với UNDP.

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Internet thế giới 2024 (WIC) diễn ra tại thị trấn cổ Ô Trấn (Wuzhen, Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết các vấn đề như khoảng cách số và tình hình an ninh mạng nghiêm trọng, đồng thời xây dựng một tương lai số tốt đẹp hơn.

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số
Return to top