Thế giới

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

ClockThứ Tư, 27/11/2024 15:48
TTH.VN - Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Các bệnh không lây là kẻ giết người hàng đầu trên toàn cầuWHO hoan nghênh sáng kiến ​​mới giúp chống lại các bệnh không lây nhiễm

 

Các bệnh về răng miệng ảnh hưởng đến khoảng 3,5 tỷ người trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Tuyên bố chung dự kiến sẽ nêu rõ các cam kết chung từ các quốc gia thành viên, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động toàn cầu về sức khỏe răng miệng giai đoạn 2023 - 2030.

Các bệnh về răng miệng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 3,5 tỷ người. Sức khỏe răng miệng thường bị hiểu lầm chỉ là sức khỏe về răng, mà bỏ qua tầm quan trọng rộng hơn của vấn đề này.

Các bệnh về răng miệng bao gồm sâu răng, bệnh nướu răng, mất răng, ung thư miệng, dị tật bẩm sinh…, ảnh hưởng đến miệng, răng và các cấu trúc khuôn mặt cần thiết cho việc ăn uống, hít thở và nói.

“Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe, tuy nhiên hàng triệu người không được tiếp cận với các dịch vụ cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe răng miệng của họ”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết.

Qua đó, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia ưu tiên phòng ngừa và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng giá cả phải chăng, như một phần trong hành trình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Sự kiện mang tính đột phá này do Chính phủ Vương quốc Thái Lan đăng cai tổ chức, là một phần của quá trình chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ tư của Liên hợp quốc (LHQ) về các bệnh không lây nhiễm vào năm 2025.

Hội nghị nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tái khẳng định các cam kết chính trị của các quốc gia thành viên, và thúc đẩy việc thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động toàn cầu về sức khỏe răng miệng giai đoạn 2023 - 2030.

“Sức khỏe răng miệng là một khía cạnh quan trọng của sức khỏe tổng thể, và Thái Lan tự hào được tổ chức hội nghị toàn cầu mang tính bước ngoặt này. Cam kết của chúng tôi đối với bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân bao gồm đảm bảo tất cả công dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng chất lượng, và thúc đẩy công tác phòng ngừa thông qua các cộng đồng, củng cố cam kết của chúng tôi trong việc cải thiện kết quả sức khỏe cho mọi người”, ông Somsak Thepsutin, Bộ trưởng Bộ Y tế Công cộng Thái Lan nhấn mạnh.

Các kết quả chính của hội nghị, Tuyên bố Bangkok về sức khỏe răng miệng, sẽ cung cấp thông tin cho báo cáo của Tổng Giám đốc WHO về Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của LHQ về các bệnh không lây nhiễm vào năm 2025, đảm bảo nhận diện và tích hợp tốt hơn các bệnh về răng miệng vào chương trình nghị sự toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm trong tương lai.

Tuyên bố này tìm cách đảm bảo sức khỏe răng miệng là quyền cơ bản của con người; đồng thời thừa nhận việc cải thiện khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe răng miệng giá cả phải chăng không thể đạt được nếu không tích hợp lĩnh vực này vào các gói chăm sóc sức khỏe ban đầu và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Cũng tại sự kiện này, một liên minh toàn cầu mới về sức khỏe răng miệng dự kiến sẽ được công bố, nhằm thúc đẩy các quan hệ đối tác để tăng cường phạm vi tiếp cận và hiệu quả của các sáng kiến về sức khỏe răng miệng trên toàn thế giới.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên của WHO có sự tham dự của các phái đoàn từ các quốc gia thành viên, các cơ quan của LHQ, các tổ chức quốc tế, tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác, dành riêng để thúc đẩy các chương trình sức khỏe răng miệng, những bệnh không lây nhiễm và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chiến lược và kế hoạch hành động toàn cầu về sức khỏe răng miệng giai đoạn 2023 - 2030 đưa ra khuôn khổ để giải quyết các thách thức trong việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh về răng miệng, thúc đẩy sức khỏe răng miệng trong chương trình nghị sự về những bệnh không lây nhiễm và đảm bảo các dịch vụ thiết yếu có thể tiếp cận được mà không gây áp lực về tài chính, như một phần của sáng kiến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chiến lược này nêu ra 6 mục tiêu chiến lược, 100 hành động và 11 mục tiêu toàn cầu nhằm giảm gánh nặng của các bệnh về răng miệng, vốn góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng những bệnh không lây nhiễm toàn cầu.

LÊ THẢO (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Internet thế giới 2024 (WIC) diễn ra tại thị trấn cổ Ô Trấn (Wuzhen, Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết các vấn đề như khoảng cách số và tình hình an ninh mạng nghiêm trọng, đồng thời xây dựng một tương lai số tốt đẹp hơn.

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top