Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh
Tuyên bố trên được ông Tập đưa ra trong lễ kỷ niệm quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc, tưởng nhớ 300.000 người Nam Kinh đã bị thảm sát năm 1937.
Dù vậy con số người chết còn có nhiều tranh cãi, khi số liệu hậu chiến của một tòa án Đồng minh cho biết chỉ có 142.000 người thiệt mạng trong vụ thảm sát. Một số học giả và chính trị gia bảo thủ của Nhật thậm chí còn tuyên bố không hề có cuộc thảm sát nào.
Mối quan hệ song phương đã xấu đi nhanh chóng trong năm qua, sau khi thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm đền chiến tranh Yasukuni tại Tokyo, nơi thờ những người Nhật chết vì chiến tranh. Trong số này có cả những tội phạm chiến tranh đã bị xét xử.
Hồi tháng trước, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ khởi động lại mối quan hệ song phương sau một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Abe tại Bắc Kinh.
Phát biểu trong buổi lễ tại Nam Kinh, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định lịch sử không bao giờ được phép lãng quên, nhưng tương lai cũng quan trọng không kém.
“Lý do chúng ta có ngày kỷ niệm vụ thảm sát Nam Kinh là để nhắc lại rằng tất cả những người có lương tri đều mong muốn và giữ chặt lấy hòa bình, chứ không phải thù hận kéo dài”, ông Tập nói. “Người dân Trung Quốc và Nhật Bản nên truyền cho đời sau tình hữu nghị”.
“Lãng quên lịch sử là một sự phản bội, và phủ nhận một tội ác chính là lặp lại tội ác đó. Chúng ta không nên căm ghét một dân tộc chỉ vì một bộ phận nhỏ những kẻ quân phiệt đã khơi mào cho chiến tranh và xâm lược”, ông Tập nhấn mạnh.
Gọi vụ thảm sát là “một tội ác kinh hoàng chống lại loài người và một trang rất đen tối trong lịch sử nhân loại”, ông Tập tin rằng “lịch sử sẽ không bị thay đổi theo thời gian, và sự thật không thể bị xóa nhòa bởi những sự phủ nhận xảo trá”.
“Trách nhiệm đối với cuộc chiến thuộc về một nhóm nhỏ những kẻ quân phiệt, không phải nhân dân. Nhưng nhân dân không bao giờ được quên những tội ác ghê tởm mà những kẻ xâm lược phạm phải”.
“Bất kỳ thái độ chối bỏ nào đối với quá khứ xâm lược, và bất kỳ bình luận nào ca ngợi chiến tranh, là có hại cho hòa bình và công lý của loài người”, vị lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố trong một sự công kích rõ ràng nhắm vào các chính trị gia Nhật từng tới thăm đền Yasukuni, và có những bình luận giảm nhẹ lịch sử chiến tranh, vốn khiến Trung Quốc tức giận.
Năm tới là dịp kỷ niệm 70 năm Thế chiến II kết thúc, và Trung Quốc cũng đã cam kết tổ chức những lễ kỷ niệm, mở ra khả năng quan hệ Trung – Nhật có thể sẽ còn thêm những mâu thuẫn.