Tổng Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Cụ thể, trả lời phóng viên Báo Reuters, bà Kristalina Georgieva nhận định, điều quan trọng là phải khởi động Khuôn khổ chung về xử lý nợ đã được G20 và Câu lạc bộ các chủ nợ chính thức ở Paris thông qua vào tháng 10/2020, song đến nay vẫn chưa đạt được kết quả nào.
“Đây là vấn đề mà chúng ta không được tự mãn. Nếu niềm tin bị xói mòn đến mức có một vòng xoáy đi xuống, có thể chúng ta sẽ không biết nó kết thúc khi nào”, người đứng đầu IMF khẳng định.
Được biết, Tổng Giám đốc Kristalina Georgieva đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người giữ chức chủ tịch luân phiên của G20 năm nay và đã kêu gọi ông thúc đẩy sự thống nhất hơn về nợ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11.
Bà Krsitalina Georgieva cho biết, gần 1/3 các thị trường mới nổi và gấp đôi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp đang lâm vào cảnh túng quẫn, với tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi các nền kinh tế tiên tiến tăng lãi suất.
Dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi đang tiếp tục và gần 1/3 trong số các quốc gia này hiện đối mặt với lãi suất từ 10% trở lên. Trong đó, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình, bao gồm Sri Laka và Malawi, đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Quỹ IMF và các nước khác có thể sẽ có những hành động tương tự.
Có thể nói rằng, xung đột ở Ukraine đã và đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng mà thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt vì dịch bệnh.
Trước tình hình này, bà Kristalina Georgieva cho biết, bắt buộc phải đồng ý về việc xóa nợ cho Zambia, Chad và Ethiopia, ba quốc gia châu Phi đã yêu cầu trợ giúp theo Khuôn khổ chung.
Thêm vào đó, bà cũng kêu gọi Trung Quốc phối hợp tốt hơn giữa các bên cho vay và cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ là “người thua lỗ nặng” nếu vấn đề nợ hiện tại chuyển sang một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)