Ghada Waly, Giám đốc điều hành của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, “sức khỏe và tính mạng nhiều người đang bị đe doạ khi các băng nhóm tội phạm lợi dung cuộc khủng hoảng COVID-19 để kiếm tiền từ sự lo lắng của công chúng và sự tăng nhu cầu về thuốc men, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE)”.
Nhiều băng nhóm tội phạm lợi dụng đại dịch để buôn bán các sản phảm giả và kém chất lượng. Ảnh minh hoạ: Laodong
Cũng theo báo cáo của UNODC, trong vô vàn các tác động, đại dịch COVID-19 càng bộc lộ rõ những thiếu sót trong các điều luật và khung pháp lý nhằm ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán các sản phẩm y tế giả mạo liên quan đến COVID-19, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Thực tế, các băng đảng tội phạm đã khai thác cả những bất ổn do đại dịch và sự không nhất quán trong chế độ quản lý của các quốc gia. Các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tận dụng những khác biệt về quy định, giám sát và quản lý để buôn lậu các sản phẩm y tế không đạt chuẩn và giả mạo, người đứng đầu UNODC giải thích thêm.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, các sản phẩm y tế giả mạo mang đến những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng vì các sản phẩm đó có thể không điều trị đúng cách và có nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng nạn gian lận và lừa đảo liên quan đến việc sản xuất và buôn bán các sản phẩm y tế không đạt chuẩn và giả mạo đã tăng mạnh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong một chiến dịch do Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) tiến hành, với sự tham gia của hơn 90 nước hồi tháng 3 vừa qua nhằm triệt phá các vụ buôn bán thuốc và sản phẩm y tế trực tuyến bất hợp pháp đã dẫn đến 121 vụ bắt giữ và tịch thu các loại khẩu trang giả và kém chất lượng, cũng như các loại dược phẩm gây nguy hiểm, trị giá hơn 14 triệu USD.
Cần có cách tiếp cận hài hòa trên toàn cầu
Đại dịch cũng cho thấy rõ sự bùng nổ các vụ lừa đảo trực tuyến, bao gồm gian lận và lừa đảo kinh doanh trên internet, hoặc tạo ra các trang web giả, mạo danh công ty để đánh lừa người mua.
Song song đó, UNODC dự đoán rằng hành vi của các nhóm tội phạm có tổ chức sẽ dần thay đổi trong quá trình xảy ra đại dịch. Một khi vaccine phòng chống COVID-19 được phát triển, các nhóm tội phạm có thể chuyển trọng tâm từ buôn lậu PPE sang buôn bán vaccine.
Hơn nữa, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng liên quan đến việc giải quyết đại dịch cũng có khả năng tiếp diễn dưới hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm vào các cơ quan mua sắm trang thiết bị y tế.
Từ đó, UNODC khẳng định rằng, việc tăng cường khung pháp lý và hình phạt, cũng như có cách tiếp cận toàn cầu hài hòa hơn trong việc hình sự hóa các hoạt động sản xuất và buôn bán các sản phẩm y tế giả là điều rất quan trọng, vì chỉ có cách tiếp cận phổ biến mới có thể đáp ứng hiệu quả đối với các loại tội phạm làm ảnh hưởng đến cá nhân và sức khỏe cộng đồng.
BẢO NGHI
(Lược dịch từ TASS & Korea Herald)