Đại dịch có thể đẩy thêm gần 50 triệu người nữa vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Ảnh minh hoạ: Getty Image
Tuy nhiên, người đứng đầu LHQ cũng cho rằng, mặc dù đại dịch có thể đẩy thêm gần 50 triệu người nữa vào tình trạng nghèo đói cùng cực, nhưng điều này và các tác động khủng khiếp khác của cuộc khủng hoảng có thể tránh được nếu các nước hành động ngay lập tức để củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
Nạn đói gia tăng
Báo cáo cho thấy, hàng triệu người trên thế giới đã phải vật lộn với nạn đói và suy dinh dưỡng từ trước khi đại dịch bùng phát. Mặc dù thế giới có thừa lương thực để nuôi sống tất cả mọi người nhưng hơn 820 triệu người vẫn không đủ ăn. Đáng lo ngại, khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị còi cọc, tương đương với hơn 1/5 tổng số trẻ em trên thế giới, chủ yếu là do suy dinh dưỡng.
Tổng thư ký Guterres cũng cảnh báo rằng "năm nay, thêm khoảng 49 triệu người nữa có thể rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực do cuộc khủng hoảng COVID-19… Số người thiếu thực phẩm hoặc dinh dưỡng không an toàn sẽ nhanh chóng gia tăng".
Bản tóm tắt chính sách của LHQ đưa ra hôm qua cũng đề ra 3 khuyến nghị chính hướng tới bảo vệ mạng sống và sinh kế cho người dân, điều này cũng hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn.
Tăng cường bảo trợ xã hội về dinh dưỡng
Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội về dinh dưỡng, bao gồm hỗ trợ cho hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới hiện không được tiếp cận với các bữa ăn ở trường.
Đồng thời, các quốc gia cần bảo vệ quyền tiếp cận với thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và cho con bú, người già và các nhóm có nguy cơ khác, đồng thời mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội để mang lại lợi ích về mặt dinh dưỡng cho các nhóm có nguy cơ, Tổng thư ký Guterres nói.
Ngoài ra, ông Guterres cũng kêu gọi bảo vệ tốt hơn cho công nhân trong lĩnh vực thực phẩm, lưu ý rằng các gói cứu trợ và kích thích của chính phủ phải đến được những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm quy mô nhỏ, cũng như các doanh nghiệp nông thôn, để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.
Xây dựng hệ thống thực phẩm tốt hơn
Từ những bài học rút ra trong đại dịch, Tổng thư ký kêu gọi chuyển đổi hệ thống thực phẩm hướng tới một thế giới toàn diện và bền vững hơn.
Thực tế, các hệ thống thực phẩm đóng góp tới 29% tổng lượng khí thải nhà kính, bao gồm 44% khí mêtan và đang có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Từ đó, các nước cần xây dựng hệ thống thực phẩm đáp ứng nhu cầu của cả người sản xuất và người lao động, nhưng cần chú trọng đến yếu tố môi trường và đa dạng sinh học. Ông cũng cho rằng, có thể phát triển thực phẩm lành mạnh và dinh dưỡng để giúp xóa đói trên thế giới.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & UN)