Năm 2000, khi Liên Hợp Quốc (LHQ) lần đầu tiên thiết lập các mục tiêu chống HIV, gần 700.000 người đã nhận những loại thuốc thiết yếu. Trong một báo cáo được công bố vào hôm qua (14/7), Uỷ ban phòng chống AIDS của LHQ cho biết, các phản ứng toàn cầu với HIV đã ngăn chặn 30 triệu ca nhiễm HIV mới và gần 8 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong thiên niên kỷ này.
|
15 triệu người nhiễm HIV đã được tiếp cận điều trị - Ảnh: BBC.
|
Trong cùng khoảng thời gian đó, số ca nhiễm HIV mới đã giảm từ 2,6 triệu ca/năm xuống còn 1,8 triệu, và số trường hợp tử vong liên quan đến AIDS đã giảm từ 1,6 triệu xuống 1,2 triệu người. Trong khi đó, đầu tư toàn cầu cho HIV đã tăng từ 4,8 tỷ USD năm 2000 lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2014.
Theo Uỷ ban phòng chống AIDS của LHQ, sự phối hợp hành động trong 5 năm tiếp theo có thể giúp chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên, ở một số khu vực, xu hướng này có vẻ chậm. Khoảng cách lớn trong nhận thức về tình trạng HIV có vẻ là rào cản lớn nhất để tiếp cận việc điều trị. Và việc tiếp cận điều trị cho trẻ em đã tụt lại phía sau so với điều trị cho người lớn, mặc dù hiện nay cũng đã được cải thiện.
Tỷ lệ trẻ em sống với HIV đang được điều trị ARV đã tăng gấp đôi từ năm 2010 đến năm 2014 (từ 14% đến 32%), nhưng độ bao phủ "vẫn còn thấp hơn đáng kể so với của người lớn", bản báo cáo nói.
Mặc dù nhiễm số ca nhiễm HIV mới đã giảm xuống, nhưng con số này mỗi năm vẫn còn ở mức không chấp nhận được, góp phần tạo nên gánh nặng của đại dịch.
Trong năm 2014, vùng cận Sahara, châu Phi chiếm 66% các ca nhiễm HIV mới. Ước tính, có khoảng 25,8 triệu người trong khu vực này sống chung với HIV trên tổng số 36,9 triệu nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Năm 2015 này đang chứng kiến bước chuyển đổi từ mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ thành Mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói rằng, "giờ đây, chúng ta phải quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS như một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững."
Báo cáo cho biết, 5 năm tới sẽ là khoảng thời gia rất quan trọng và đề nghị có các khoảng đầu tư để "chạy nước rút" hướng tới tham vọng chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.