Thúc đẩy bình đẳng giới là trọng tâm trong chính sách phục hồi bền vững ở Đông Nam Á. Ảnh minh hoạ: HR Online
Theo LHQ, các quốc gia ASEAN đã bị tụt lại phía sau trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trước năm 2030. Và dù đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng đại dịch càng làm nổi rõ sự bất bình đẳng sâu sắc, sự thiếu hụt trong quản trị và sự cần thiết cho một lộ trình phát triển bền vững, bên cạnh những thách thức mới, bao gồm cả hòa bình và an ninh.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Guterres rất ca ngợi sự hợp tác giữa các nước ASEAN trong cuộc chiến chống COVID-19. Ông cho rằng, chính sách hợp lý và các biện pháp ngăn chặn sớm đã giúp ASEAN giảm tổn thương và biến động vì đại dịch như ở những nơi khác.
Tổng thư ký cũng nhấn mạnh đến 4 lĩnh vực sẽ rất quan trọng nhằm đảm bảo cho sự phục hồi của khu vực sau đại dịch và hướng tới một tương lai bền vững, kiên cường và toàn diện hơn.
Theo đó, trước hết cần giải quyết tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội. Điều này đòi hỏi các biện pháp kích thích ngắn hạn cũng như thay đổi các chính sách dài hạn.
Ông Guterres cũng khuyên các nước nên thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số để không ai bị bỏ lại phía sau trong một thế giới ngày càng kết nối. Song song đó, ông cũng khuyến khích ASEAN giảm sự phụ thuộc vào than đá để hướng tới một “nền kinh tế xanh” toàn diện. Cuối cùng, ông bày tỏ sự ủng hộ quyền con người và thúc đẩy sự minh bạch như một phản ứng hiệu quả.
Người đứng đầu LHQ cũng nhấn mạnh, trọng tâm của những nỗ lực này là phải thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết sự gia tăng bạo lực trên cơ sở giới và chú trọng vai trò của phụ nữ trong tất cả các khía cạnh của các kế hoạch phục hồi và kích thích kinh tế. Điều này sẽ giảm thiểu tác động không cân xứng của đại dịch đối với phụ nữ và cũng là một trong những con đường chắc chắn nhất để phục hồi bền vững, nhanh chóng và toàn diện cho tất cả mọi người.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ UN News)