Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) ngày 20-3
PHẠM BÌNH MINH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Ngày 28-7-2020 đánh dấu một phần tư thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN). Đặc biệt năm nay, lễ kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này trùng với thời điểm Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội.
Việc gia nhập ASEAN năm 1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông - Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Với ASEAN, việc kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 giúp đẩy nhanh quá trình mở rộng Hiệp hội tới cả 10 nước trong khu vực, qua đó củng cố hòa bình, ổn định ở một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về địa - chính trị và địa - kinh tế, là trung tâm kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khi Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực mới bước ra khỏi chiến tranh lạnh, vị thế, vai trò và quy mô kinh tế của ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Song 25 năm qua đã chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của Hiệp hội. Để đến nay, cả 10 nước Đông - Nam Á trở thành một Cộng đồng thống nhất với uy tín ngày càng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trên nền tảng các cơ chế Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC), với sự hình thành Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hiệp ước về khu vực Đông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), ASEAN dần trở thành một khu vực hòa bình, ổn định với vị thế từng bước được khẳng định. Việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cùng với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với hàng loạt các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đã góp phần tạo nên phồn vinh cho ASEAN, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới. Năm 2019, ASEAN đã là mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỷ USD.
Đặc biệt, Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31-12-2015 đã đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng.
Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở bao gồm 10 đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các nước lớn, tiếng nói ASEAN được lắng nghe và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được củng cố.
Trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN đã được khẳng định thông qua việc ASEAN thúc đẩy sự ra đời và dẫn dắt Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), đóng góp ngày càng quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực. Tiêu biểu là việc ASEAN bày tỏ lập trường kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực, như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng sớm hoàn tất, cùng nhiều tiến triển quan trọng khác.
Với Việt Nam, ngày 28-7 của 25 năm trước đồng thời là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến rất quan trọng của Việt Nam trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Chúng ta đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông - Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Trong tiến trình hội nhập của đất nước, ngành ngoại giao luôn đóng vai trò tiên phong đột phá, mở đường ra thế giới. Trong nhiệm vụ thuở ban đầu đưa đất nước phá thế bao vây, cô lập, ASEAN được xem là đột phá khẩu đầu tiên của Việt Nam trong hội nhập. Ở những giai đoạn sau, hội nhập và tham gia của Việt Nam trong ASEAN gắn liền với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Chúng ta đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chuyển từ đối đầu sang đối thoại, tới trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN và nay là phương châm “chủ động, tích cực, có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”.
Việt Nam từng bước khẳng định là một phần không thể tách rời của ASEAN và khu vực Đông - Nam Á, gắn sự phát triển của đất nước với ASEAN và mong muốn gánh vác công việc chung của ASEAN. Chính sách về ASEAN trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về đối ngoại, nhất là Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8-8-2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Ngay sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để các nước ở Đông - Nam Á còn lại gia nhập ASEAN. Các nước Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia tham gia ASEAN lần lượt các năm 1997 và 1999. Qua đó, giấc mơ về một ASEAN gồm toàn bộ 10 nước Đông - Nam Á đã trở thành hiện thực. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã chủ động, tích cực và có trách nhiệm khi tham gia vào các công việc của ASEAN trong đó có xây dựng thể chế cho ASEAN, như Hiến chương ASEAN (năm 2008), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015), Kế hoạch Tổng thể các năm 2009, 2015 và 2025, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, 2025 và xa hơn; triển khai toàn diện cả ba trụ cột Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (7-2000 - 7-2001), Chủ tịch ASEAN năm 2010 và đang nỗ lực hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Với nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng, như mở rộng EAS hay thành lập cơ chế ADMM+, Việt Nam tích cực cùng các thành viên ASEAN duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Đến nay, một điều chắc chắn là việc gia nhập ASEAN đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng, thiết thực.
Thứ nhất, ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để chúng ta từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 25 năm qua, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông - Nam Á hữu nghị, hợp tác, không có chiến tranh. Đi đôi thúc đẩy hợp tác ASEAN, chúng ta đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng. Vai trò ngày càng tăng trong ASEAN giúp nước ta tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thứ hai, tham gia ASEAN giúp nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, huy động các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao sức mạnh tổng hợp. Tiếp sau ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, ODA, qua đó giúp kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm.
Thứ ba, hội nhập ASEAN giúp Việt Nam từng bước nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN đã và đang giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020 - 2021), đăng cai Hội nghị cấp cao APEC (2006 và 2017), tích cực tham gia xây dựng các “luật chơi” quốc tế, hợp tác đối phó các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19...
Thứ tư, quá trình tham gia ASEAN 25 năm qua đã rèn luyện, đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ đối ngoại của Việt Nam; giúp chúng ta ngày càng vững vàng “vươn ra biển lớn”.
Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Trong bảy tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ASEAN đã bảo đảm triển khai hiệu quả các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020, vượt lên khó khăn, bước đầu kiểm soát đại dịch Covid-19, sớm tiến hành khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Cách thức ASEAN vượt qua sóng gió bất ngờ, không có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN.
Theo nhandan.com.vn