Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thúc giục quyền tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: Iranpress/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Đây là nghị quyết thứ hai về đại dịch được hội đồng thông qua kể từ 1 năm trước.
Các nhà ngoại giao cho biết nghị quyết đã được nhất trí bởi tất cả 15 thành viên của hội đồng.
“Tất cả chúng ta đang cùng phải đối mặt với một mối đe dọa, cùng một đại dịch và hợp tác quốc tế, hành động đa phương là cần thiết. Nghị quyết ngày là một hướng đi tốt”, một nhà ngoại giao giấu tên cho hay.
Được biết, nghị quyết chỉ cần 1 tuần để soạn thảo và việc thông qua nghị quyết này cho thấy cộng đồng quốc tế đang hướng tới sự thống nhất vốn đã khan hiếm kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu.
Ngoài ra, nghị quyết cũng cho thấy mối quan hệ đang dần được cải thiện tại Liên Hiệp Quốc giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng Giêng.
Trong một thông tin có liên quan, nghị quyết về đại dịch đầu tiên được hội đồng thông qua vào tháng 7/2020 và đã cần hơn 3 tháng đàm phán qua lại trước khi giành được sự chấp thuận cuối cùng.
Quá trình này đã diễn ra chậm chạp một cách đáng kinh ngạc vì những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại các khu vực chiến sự để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống lại đại dịch.
Nghị quyết mới được thông qua ngày 26/2 đã nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết về sự đoàn kết, công bằng và hiệu quả” trong việc chống lại đại dịch ở các nước bị hạn chế khả năng tiếp cận với vaccine.
Nghị quyết cũng kêu gọi quyên góp các liều vaccine từ các nền kinh tế phát triển, tất cả các nước và những ai có khả năng làm như vậy cho các nước có thu nhập trung bình, thấp và các nước có nhu cầu.
Ngoài ra, nghị quyết kêu gọi tăng cường các cách tiếp cận ở cấp độ quốc gia, đa phương và hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine COVID-19 trong các tình huống xung đột vũ trang, tình huống sau xung đột và các trường hợp nhận đạo khẩn cấp khác. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 160 triệu người đang sống trong điều kiện như vậy.
Dự thảo mới kêu gọi Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thực hiện đánh giá thường xuyên về những trở ngại đối với việc tiếp cận vaccine.
Các nước thành viên cũng được kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ và tích trữ vaccine để đảm bảo quyền tiếp cận với việc tiêm chủng, đặc biệt là ở khu vực có xung đột.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)