Người dân di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức ngày 14/8/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/6 đã chi khoản tiền mặt đầu tiên từ quỹ phục hồi hậu COVID-19 dưới hình thức trợ cấp để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch.
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã giải ngân khoản tiền mặt đầu tiên từ nguồn quỹ hỗ trợ cho 16 quốc gia thành viên, trong đó có Pháp, Đức, Đan Mạch, Estonia và Cộng hòa Séc.
Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách ngân sách EU Johannes Hahn nhấn mạnh: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã thành công trong việc bắt đầu giải ngân quỹ phục hồi với tên gọi "Thế hệ tiếp theo của EU" (Next Generation EU) theo kế hoạch.”
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2020, EU đã đạt được sự đồng thuận lịch sử là gộp nợ chung - được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn - để tài trợ cho gói phục hồi trị giá gần 700 tỷ euro.
Trong gói hỗ trợ này, 500 tỷ euro sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ euro dưới dạng các khoản tín dụng.
Trong 500 tỷ euro tài trợ, 310 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh.
Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ngày 15/6, EU thông báo đã huy động được 20 tỷ euro (khoảng 24 tỷ USD) đầu tiên cho quỹ phục hồi.
Đến cuối năm nay, EU dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và tín phiếu với giá trị 100 tỷ euro nhằm cung cấp nguồn tài chính cho các khoản tài trợ và cho vay theo kế hoạch trong năm nay.
Theo Vietnam+