Thế giới

Lưu ý khoảng cách kỹ thuật số trong nền kinh tế châu Á hậu COVID-19

ClockChủ Nhật, 31/01/2021 07:54
TTH - Tại các phiên thảo luận trực tuyến của Tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 đang diễn ra trong tuần này, các nhà lãnh đạo từ châu Á cảnh báo, công nghệ và hoạt động làm việc từ xa đang làm thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp sau đại dịch COVID-19; qua đó, các Chính phủ cần đảm bảo kỷ nguyên mới sẽ không làm mở rộng khoảng cách kinh tế giữa những người thông thạo và không thông thạo kỹ thuật số.

Cơ hội trỗi dậy của Châu Á-Thái Bình Dương hậu khủng hoảng Covid-19COVID-19 tái bùng phát ở một số khu vực châu Á đe dọa phục hồi kinh tếChâu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành siêu cường của thế giới

Năm 2021 sẽ chứng kiến cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Cần kỹ năng công nghệ

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cấp cao kiêm Bộ trưởng điều phối các chính sách xã hội Singapore cho rằng, nhiều doanh nghiệp sẽ không quay lại phong cách cũ là tập trung vào những tương tác trực tiếp; và một loại “nền kinh tế lai” đang hình thành, trong đó mọi người đôi khi sẽ có các cuộc gặp mặt trực tiếp, nhưng hoạt động làm việc từ xa vẫn sẽ tiếp diễn.

Theo ông Tharman Shanmugaratnam, toàn bộ lực lượng lao động cần thích ứng với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để có thể tận dụng tối đa những công nghệ này, đây là điều vô cùng quan trọng. Qua đó, nhiệm vụ của các Chính phủ là làm việc với doanh nghiệp để giúp lực lượng lao động điều chỉnh, tạo điều kiện cho một giai đoạn mới của tăng trưởng toàn diện.

Bên cạnh đó, bà Smriti Zubin Irani, Bộ trưởng Bộ Dệt may Ấn Độ cũng chia sẻ góc nhìn từ quốc gia Nam Á này, nơi có hàng trăm triệu cư dân nông thôn có xu hướng thiếu được tiếp cận với các công cụ kỹ thuật số. “Chúng tôi phải nỗ lực để đảm bảo rằng, những người không có kỹ năng công nghệ sẽ không bị mất đi cơ hội”, bà Smriti Zubin Irani cho biết; đề cập đến Trung tâm Dịch vụ Chung được Chính phủ Ấn Độ triển khai, và đã tiếp cận được mọi vùng nông thôn trong cả nước, cung cấp một loạt các dịch vụ Chính phủ điện tử, đồng thời mở rộng kiến ​​thức kỹ thuật số.

... để đạt lợi ích

Cũng trong phiên thảo luận nói trên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda chỉ ra, việc số hóa các doanh nghiệp và giáo dục nên được khuyến khích, nhằm tạo ra “động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hơn nữa”.

Trong một báo cáo được Oxfam, một tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Anh, công bố ngày 25/1, 87% trong số 295 nhà kinh tế học được khảo sát trên khắp 79 quốc gia cho rằng, đại dịch COVID-19 sẽ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập ở quốc gia của họ.

Nhìn chung, châu Á đạt nhiều thành công hơn trong việc ngăn chặn COVID-19 so với phương Tây, cho phép kinh tế trở lại nhanh hơn và hứa hẹn tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021. Chi tiêu của Chính phủ, chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân đều đang hỗ trợ cho sự phục hồi.

Chính vì thế, việc nâng cao tay nghề của lực lượng lao động sẽ không chỉ thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong kỷ nguyên hậu đại dịch, nhất là ở châu Á, với nhiều nền kinh tế mới nổi của khu vực.

Theo một báo cáo do WEF công bố trước thềm các phiên thảo luận của Tuần lễ Chương trình Nghị sự Davo, nâng cao kỹ năng có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng thêm 6,1% đến năm 2030. Con số này cao hơn mức ước tính 2,5% đối với khu vực Tây Âu, và 3,6% đối với khu vực Bắc Mỹ.

“Lợi ích của việc nâng cao kỹ năng ở châu Á - Thái Bình Dương... sẽ được tạo điều kiện thuận lợi khi các nền kinh tế châu Á mới nổi chuyển sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi sử dụng hiệu quả nhất các kỹ năng”, báo cáo lưu ý thêm.

Ngoài ra, ông Tharman Shanmugaratnam cũng nhấn mạnh, các quốc gia “cần củng cố hệ thống đa phương” và “xây dựng lại một số hình thức của chủ nghĩa quốc tế hợp tác”, qua đó họ có thể đầu tư nhiều hơn vào lợi ích công cộng toàn cầu.

Được biết, các phiên thảo luận trực tuyến của Tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đang diễn ra từ ngày 25-29/1. Hơn 1.500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Chính phủ và xã hội dân sự đến từ hơn 70 quốc gia sẽ tham gia các phiên thảo luận với chủ đề “Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei Asia, Weforum & Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top