Thế giới

Mỗi người Việt trẻ là một "đại sứ" cho quan hệ Việt - Mỹ

ClockThứ Tư, 15/07/2015 11:14
TTH.VN - Người trẻ Việt Nam phải có nhiều trải nghiệm hơn, là một “đại sứ” thực thụ thì mới có thể duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ Việt - Mỹ đã được các thế hệ trước vun đắp nền tảng - Nguyễn Thu Thảo (Thảo Griffiths) - Trưởng Đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) - nói. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cựu chiến binh từ cuộc chiến tranh Việt Nam trong buổi tiệc tại Washington D.C., do ĐSQ Việt Nam tổ chức.


Là tổ chức do các cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thành lập, VVAF được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1997 và có quan hệ với nhiều chính khách cấp cao trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi hiện nhiều vị trí cấp cao do thế hệ các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam nắm giữ.

Làm việc cho VVAF từ gần 15 năm nay và giữ chức vụ trưởng đại diện từ 2007, Thảo đóng vai trò rất tích cực trong việc vận động và thực hiện các dự án của tổ chức.

Chị vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác ở Washington D.C., đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Góc nhìn của Nguyễn Thu Thảo - một người sinh sau năm 1975 - về chuyến đi là góc nhìn của một người thuộc thế hệ hậu chiến về quan hệ hai nước.

Tình cảm từ “Thế hệ Việt Nam”

Có mặt ở Washington dịp này, Nguyễn Thu Thảo được mời tham dự hai sự kiện trong chương trình hoạt động của đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ. Thứ nhất, là buổi làm việc giữa Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và ông Tim Rieser - Cố vấn Chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ (TNS) Patrick Leahy (TNS Leahy là thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ ở Thượng viện Hoa Kỳ, thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ ở Tiểu ban Chuẩn chi - chịu trách nhiệm tài trợ cho các hoạt động viện trợ quốc tế của Chính phủ Mỹ, trong đó có Việt Nam). Sự kiện thứ hai, là tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức để cảm ơn và tri ân những người bạn lâu năm của Việt Nam.

Nguyễn Thu Thảo rất tự hào khi Tổng Bí thư gặp gỡ với người sáng lập ra VVAF - ông Bobby Muller, một trong những cựu chiến binh đi đầu trong việc vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. VVAF là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Mỹ hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam về lập bản đồ và xử lý bom mìn chưa nổ sau chiến tranh, đồng thời tham gia tích cực vào việc hỗ trợ người khuyết tật và khắc phục hậu quả chất da cam ở Việt Nam.

Trong chuyến thăm Mỹ, Tổng Bí thư cũng có buổi làm việc với các nghị sĩ của cả hai đảng thuộc hai viện quốc hội Mỹ. Cuộc gặp do TNS Patrick Leahy - thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện - chủ trì. Ông Leahy là người rất luôn kỳ vọng vào quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Cuộc gặp kết thúc, Thảo được mời thăm văn phòng của TNS Leahy. Thảo biết ông Leahy từ lâu khi chị cùng sếp VVAF Bobby Muller, đóng vai trò quan trọng vận động Thượng viện Mỹ lần đầu phân bổ ngân sách cho việc khắc phục hậu quả của chất da cam/dioxin ở Việt Nam.

Ông bà Leahy đã tới thăm Việt Nam tháng 5.2014 và Thảo đã chở phu nhân Chủ tịch Thượng viện Mỹ lúc đó đi thăm khắp Hà Nội bằng xe máy. Thảo rất ấn tượng khi gặp lại bà Leahy ở Washington lần này. Ôn lại những kỷ niệm Hà Nội, bà dặn Thảo về nói với con gái chị: “Hãy nói với cô bé rằng tôi là người Việt Nam”, để trả lời cho thắc mắc hồi nào của cô gái nhỏ, rằng ông bà Leahy có phải người Mỹ gốc Việt không, bởi tên ông bà đọc lên giống người Việt. "Điều đó nói lên ông bà Leahy yêu quý Việt Nam đến thế nào, và đó là một thuận lợi khi có những người thuộc thế hệ Việt Nam ở nước Mỹ ủng hộ nhiệt thành cho việc xây dựng quan hệ hai nước - Nguyễn Thu Thảo nói - Để tiếp tục xây dựng quan hệ với Mỹ, chúng ta không thể chỉ dùng vấn đề địa chính trị. "Quân bài mạnh" của chúng ta chính là tiếp nối truyền thống mà hai nước đã tạo lập được trong 20 năm qua, đó là nhiệm vụ của thế hệ trẻ”.

Sự hứa hẹn cho giới trẻ

Ở một khía cạnh mới mẻ hơn trong quan hệ song phương, Nguyễn Thu Thảo rất lạc quan với việc, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, TPHCM đã trao giấy phép thành lập Đại học Fulbright ở Việt Nam. Không chỉ vì chính chị đã nhận được học bổng theo học chương trình Fulbright ở Mỹ. Chị Thảo nhắc lại những "Fulbrighter" của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực đã thành công với nền tảng được tạo dựng qua chương trình hợp tác giáo dục này, trong đó không thể không kể tới những thế hệ Fulbrighter đầu tiên như Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú…

"Trường Đại học Fulbright lần đầu tiên được mở tại Việt Nam là một việc chưa từng có tiền lệ ở bất kỳ nước nào, do mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và vì giáo dục là một phần quan trọng của hợp tác Việt - Mỹ" - chị Thảo khẳng định.

Nguyễn Thu Thảo chia sẻ, những cựu chiến binh Mỹ tích cực trong quá trình giúp phá băng quan hệ hai nước 20 năm qua đều đã ở tuổi thất thập. Có thể nói, họ đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Những người sẽ tiếp tục nối dài quá trình đó giờ đây là thế hệ sinh sau 1975, nhất là thế hệ 8X, 9X và còn xa hơn nữa.

"Tôi rất lạc quan về giới trẻ Việt Nam. Họ có tinh thần hiếu học và rất năng động. 20 năm qua, đất nước ta đã mở cửa hội nhập. Giờ đây các bạn trẻ coi mình là công dân toàn cầu, sử dụng internet, nói tiếng Anh, được tiếp cận các vấn đề mang tính toàn cầu và rất ý thức phải hợp tác với các nước khác" - Nguyễn Thu Thảo nói. Chị nhắc lại câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đến thăm Trường Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2000: "Lịch sử của hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ cuốn vào nhau rất sâu sắc, nó là căn nguyên của những thương đau, nhưng cũng là khởi nguồn của những điều hứa hẹn...". Và rồi Thảo khẳng định, sự hứa hẹn đó chính là dành cho giới trẻ.

Theo Dân Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng ổn định từ năm 2025 - 2026

Ngành du lịch toàn cầu đang chứng kiến bước chuyển đổi đáng chú ý, được đánh dấu bằng sự tăng trưởng ổn định, bền vững dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2026. Sau khi trải qua quá trình phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, ngành này hiện đang bước vào giai đoạn tăng trưởng cân bằng.

Du lịch toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng ổn định từ năm 2025 - 2026
Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia

Ghi nhận khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, du khách Ấn Độ đang có nhu cầu du lịch ngày càng cao. Điều này thể hiện rõ khi nhiều người rất háo hức trải nghiệm du thuyền Disney Adventure của Disney Cruise Line, lần đầu tiên có mặt tại châu Á tại Singapore và mong muốn tàu khởi hành sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12/2025. Thậm chí, một số gia đình đã lên kế hoạch du lịch đến những nước châu Á khác như Nhật Bản trong thời gian chờ đợi tàu khởi hành.

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia
GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Return to top