ASEAN cần tích cực phục hồi và phát triển để trở thành “hình mẫu” của thế giới. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Cũng trong phát biểu của mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng kêu gọi khối khu vực hành động cùng nhau để đảm bảo tiến trình phục hồi hoàn toàn sau ảnh hưởng gây nên bởi đại dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác và Lãnh đạo ASEAN 2022, diễn ra tại Hyatt Regency Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen cho rằng Campuchia đã chứng kiến nhiều vấn đề phức tạp trên toàn cầu đang đe dọa khu vực, cũng như trật tự thế giới, có thể kể đến như vấn đề Myanmar, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và xung đột Nga - Ukraine..., chưa kể đến rằng những thách thức này đang diễn ra vào thời điểm các nước thành viên ASEAN vẫn đang vật lộn để phục hồi sau tác động của dịch.
“Campuchia đã trở thành Chủ tịch ASEAN vào thời điểm chưa từng có trong lịch sử của khối trước đây”, Thủ tướng Hun Sen cho biết.
Ông cho biết thêm rằng, sự phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là sự phục hồi trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở ASEAN chủ yếu phụ thuộc vào sự thống nhất và đoàn kết giữa các quốc gia thành viên để đối mặt với những thách thức đang nổi lên, đặc biệt là những thách thức đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực.
Ông Hun Sen cho biết rằng: “Phát triển kinh tế - xã hội là điều không thể đạt được trừ khi đạt được hòa bình và ổn định hoàn toàn. Với ý nghĩa này, ASEAN bằng mọi giá phải tránh tất cả các cuộc chiến tranh có thể xảy ra, để không có người thắng, kẻ thua, bởi thiệt hại này không chỉ đơn giản như vậy, nó còn là về sự tàn phá, mất mát sinh mạng con người. Campuchia, một quốc gia có lịch sử chiến tranh cay đắng và ác liệt luôn nhấn mạnh rằng giải quyết tranh chấp bằng hòa bình với tinh thần thỏa hiệp và ưu tiên cho phúc lợi của người dân là chính sách cùng có lợi để đạt được hòa bình thật sự”.
Vị thủ tướng cũng kêu gọi ASEAN, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt hiện nay, hãy trở thành một khu vực “kiểu mẫu” bằng cách đảm bảo sự tồn tại của hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực thông qua việc tăng cường sự thống nhất và duy trì tính trung tâm của ASEAN, đồng thời duy trì các cơ chế và quan hệ đối tác đa quốc gia trong giải quyết các vấn đề đang gặp phải.
Ngoài ra, khối ASEAN cũng phải tuân thủ nguyên tắc trung lập và đóng vai trò như một nền tảng chung cho đối thoại và hợp tác với việc tăng cường một khuôn khổ khu vực cởi mở, minh bạch, thân thiện với môi trường và dựa trên luật lệ.
Michael Yeoh, Người sáng lập kiêm Chủ tịch ALPF 2022 và cũng là Chủ tịch Viện Chiến lược KSI Khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất ASEAN nhằm chống lại những thách thức đang gia tăng trong khu vực.
Nhìn chung, ASEAN phải đáp ứng ưu tiên 4C: Cộng đồng, Kết nối, Trung tâm và Hiến chương. Điều này là cần thiết để nhóm khu vực đạt được 4P: Hòa bình, Thịnh vượng, Hành tinh và Con người.
Trong một ý kiến khác có liên quan, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á Chheang Vannarith cũng nhất trí về vấn đề hòa bình và ổn định và nhấn mạnh 2 yếu tố này sẽ mở rộng cánh cửa phục hồi trong các lĩnh vực khác.
“Rõ ràng là các nhà đầu tư sẽ không tham gia vào những khu vực có chiến tranh hoặc xung đột. Trong những khu vực như vậy, giáo dục và các hoạt động kinh tế hoặc văn hóa cũng không thể thực hiện được”, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á Chheang Vannarith khẳng định.
Do đó, điều quan trọng là khu vực phải giữ vững những tôn chỉ đã đặt ra và tích cực, tiếp tục thúc đẩy phục hồi và phát triển, duy trì thống nhất và hòa bình, ổn định để trở thành khu vực “hình mẫu” trên thế giới.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Khmer Times)