Thế giới

Moody’s: Các nền kinh tế APAC dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2024-2025

ClockThứ Ba, 27/08/2024 06:56
TTH - Theo báo cáo mới nhất của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC) dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và 2025, nhờ thương mại được cải thiện, đầu tư mạnh mẽ và chi tiêu tiêu dùng bền vững.

S&P: Triển vọng châu Á-Thái Bình Dương "nhìn chung vẫn thuận lợi", bất chấp suy thoái ở Trung Quốc

 Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay, dẫn đầu khu vực APAC. Ảnh: iStock

Nhà kinh tế trưởng chuyên về khu vực APAC Steven Cochrane cho biết, triển vọng của khu vực này vào năm 2025 được đánh giá ở mức “tích cực”, mặc dù tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng sẽ chậm lại trong năm tới.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ cải thiện sau cuộc suy thoái diễn ra gần đây (từ giữa năm 2023 đến đầu năm 2024), khi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư ở nước này trong quý II/2024 đã đảo ngược xu hướng giảm trước đó.

Đáng lưu ý, Moody's dự báo tăng trưởng ở Đông Nam Á sẽ tăng tốc, được hỗ trợ bởi những tín hiệu tích cực trong thương mại, đầu tư, tiêu dùng, chính sách tài khóa kích thích nói chung và việc nới lỏng các chính sách tiền tệ vào đầu năm tới.

Theo Moody’s, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong năm nay sẽ dẫn đầu APAC, với mức tăng trưởng ước đạt 6,8%. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 với mức tăng trưởng 6,4%, tiếp đến là Philippines (5,9%), Indonesia (5,2%), Malaysia (5,1%) và Trung Quốc (4,8%).

Phân tích của Moody’s cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ nhu cầu hàng hóa toàn cầu ngày càng tăng và sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên 6,5% vào năm tới từ mức 5,0% của năm 2023. Tiếp đó, Malaysia và Thái Lan cũng có sự tăng trưởng tương tự, nhưng với tốc độ chậm hơn”.

Nhà kinh tế trưởng Cochrane cho rằng, Philippines và Indonesia sẽ không tụt hậu quá xa so với Việt Nam, nhưng nền kinh tế của hai nước này không gắn chặt với nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, Philippines và Indonesia cần nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện cơ sở hạ tầng của cả hai nước”.

Các phân tích chi tiết cho thấy chi tiêu đầu tư đang là động lực giữ cho nền kinh tế APAC tiếp tục phát triển, với các chính sách tài khóa hợp lý ở Ấn Độ và Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng ở những nền kinh tế khổng lồ này. Đặc biệt, Moody’s cho rằng Đông Nam Á, nhất là Malaysia và Việt Nam, đang được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư gia tăng từ cả các nguồn trong nước và quốc tế.

Mặt khác, nhà kinh tế trưởng Cochrane cũng nêu bật những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực, chẳng hạn như tâm lý tiêu dùng suy yếu hơn ở Trung Quốc, rủi ro địa chính trị và xung đột hiện tại ở Trung Đông. Ngoài ra, kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ tác động đến khu vực.

“Nếu ông Donald Trump thắng cử tổng thống, điều đó có thể dẫn đến mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc và phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới", Cochrane cho biết.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ BusinessWorld)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm chuẩn Đại học Huế năm 2024:
Khối ngành Sư phạm tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất

Tối 17/8, Hội đồng Tuyển sinh (HĐTS) Đại học Huế công bố điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) đợt 1 tuyển sinh vào đại học hệ chính quy năm 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 (điểm thi).

Khối ngành Sư phạm tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất
ADB: Khu vực Thái Bình Dương dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 14/8 vừa công bố Giám sát kinh tế Thái Bình Dương (PEM) cho thấy khu vực Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024 và 4,0% trong năm 2025, nhưng nhu cầu xây dựng khả năng phục hồi vẫn cần được duy trì.

ADB Khu vực Thái Bình Dương dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng
Return to top