Thế giới

Mỹ công bố nhiều dự án hàng chục triệu USD để hỗ trợ Việt Nam

ClockThứ Ba, 14/06/2022 10:54
Ngoài khoản hỗ trợ thêm 19 triệu USD để rà phá bom mìn chưa nổ, Mỹ cũng khởi động các chương trình giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và chống buôn bán động vật hoang dã.

Mỹ ủng hộ Việt Nam trở thành nước đi đầu khu vực về năng lượng sạch25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ: 25 năm tới sẽ lớn mạnh và ấn tượng hơnMỹ tăng cường tài trợ các dự án phát triển ở ASEANMỹ viện trợ Việt Nam hơn một triệu USD chống thiên tai

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman chứng kiến lễ ký thỏa thuận đối tác giữa cơ quan hai nước ngày 13/6 tại Hà Nội - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN MỸ

"Tôi đã thông báo với các quan chức Việt Nam về việc Mỹ sẽ cung cấp thêm 19 triệu USD cho việc rà phá bom mìn chưa nổ", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman chia sẻ trong cuộc gặp hẹp với báo chí tại Hà Nội ngày 13/6.

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ mô tả hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam là một nỗ lực quan trọng, trong đó Mỹ đã cung cấp hơn 185 triệu USD cho việc rà phá bom mìn kể từ năm 1993.

Trước đó, cũng trong ngày 13/6 tại Hà Nội, bà Sherman đã đến thăm Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và dự lễ khởi động dự án chống buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam.

Đây là dự án hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được thực hiện trong vòng 5 năm với ngân sách 15 triệu USD. 

Dự án sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

“Việc thực hiện hiệu quả dự án 'Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp' sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, thông cáo của Đại sứ quán Mỹ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.

Cũng tại sự kiện, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã ký thỏa thuận đối tác song phương, về ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2027.

Với ngân sách dự trù lên tới 50 triệu USD, thông qua thỏa thuận này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giảm phát thải khí mêtan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên cũng như xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.

"Giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu phải là một nỗ lực tập thể và nỗ lực này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường khả năng chống chịu với môi trường đến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Mỹ tự hào là đối tác của Việt Nam trong nỗ lực này", bà Sherman bày tỏ.

Việt Nam là điểm dừng chân thứ ba của bà Sherman trong chuyến công du châu Á từ ngày 5 đến 14/6. 

Trong thời gian ở Việt Nam từ ngày 10 đến 13/6, bà Sherman có các hoạt động ở TP.HCM và Hà Nội với các cuộc gặp gỡ quan chức, doanh nghiệp Việt Nam để thảo luận về nhiều vấn đề như thương mại, đầu tư đến chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu...

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Return to top