Một trung tâm triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Khoản đầu tư này nằm trong một kế hoạch mới, vừa được các quan chức Nhà Trắng công bố vào ngày 17/11 (giờ địa phương), qua đó, Chính phủ Mỹ có thể hợp tác với ngành công nghiệp này để giải quyết nhu cầu vaccine cấp bách ở Mỹ, cũng như ở nước ngoài, đồng thời chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
Động thái nói trên được đưa ra bên cạnh các quyết định gần đây trong việc mua đủ thuốc điều trị COVID-19 mới của Công ty dược phẩm Pfizer cho khoảng 10 triệu liệu trình điều trị, và chi 3 tỷ USD cho các xét nghiệm không cần kê đơn, cần thiết để phát hiện virus SARS-CoV-2 đủ sớm để thuốc điều trị của Pfizer có thể đạt hiệu quả.
Những động thái này cho thấy một nỗ lực mới được mở rộng nhằm kiểm soát đại dịch vào thời điểm mà người dân Mỹ đang mong muốn trở lại trạng thái bình thường, và giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 đang tăng dần khi mùa đông đến.
Trong một diễn biến liên quan, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có khả năng sẽ chấp thuận yêu cầu từ Pfizer-BioNTech và Moderna về việc cung cấp các mũi tiêm tăng cường cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chống lại đại dịch COVID-19 bằng cách biến Mỹ trở thành “kho vaccine” cho thế giới.
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 là rất lớn. Bà Loyce Pace, Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ nói rằng, hơn một nửa trong số 5 triệu ca tử vong do COVID-19 trên thế giới đã được ghi nhận tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia trong số đó chỉ “ở mức một chữ số”. Đáng chú ý, chưa đến 10% dân số ở khu vực châu Phi được tiêm chủng, so với hơn 50% ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Tại nhiều quốc gia nghèo, bao gồm cả những quốc gia đang phải vật lộn để chống lại những căn bệnh khác, chẳng hạn như bệnh lao, sốt rét và HIV, ngay cả các nhân viên y tế ở tuyến đầu vẫn chưa được tiêm chủng.
Trong các cuộc phỏng vấn, ông Jeff Zient, Điều phối viên ứng phó với COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, và ông David Kessler, người giám sát việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho biết, mục đích của kế hoạch nói trên là đầu tư vào những công ty có kinh nghiệm sản xuất các loại vaccine mRNA, cho phép những công ty này mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của Chính phủ.
Điều này có thể bao gồm việc xây dựng các nhà máy hoặc dây chuyền sản xuất mới, và có thể yêu cầu cấp phép công nghệ từ những nhà sản xuất vaccine khác.
Theo ông David Kessler, đây là việc đảm bảo năng lực được mở rộng để chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19, cũng như chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Trong trường hợp xảy ra một đại dịch trong tương lai, một loại virus trong tương lai, mục tiêu là đạt khả năng chủng ngừa trong vòng 6-9 tháng kể từ khi xác định được mầm bệnh của đại dịch đó, đồng thời cung cấp đủ vaccine cho tất cả người Mỹ.
Lê Thảo (Lược dịch từ New York Times)