|
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của ASEAN sẽ được cải thiện. Ảnh minh họa: TTXVN |
Triển vọng tăng trưởng lạc quan
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings mới đây cho biết, xét về triển vọng kinh tế ngắn hạn, ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục mở rộng ở một số nền kinh tế lớn trong khu vực, trong khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng được cải thiện. Dù vẫn chưa thoát khỏi mọi khó khăn của năm 2023, khi xuất khẩu hàng hóa ở nhiều nước công nghiệp châu Á sụt giảm đáng kể do sự suy yếu ở các thị trường tiêu dùng trọng điểm ở Tây Âu và Trung Quốc đại lục, xuất khẩu hàng hóa của các nước ASEAN dự kiến sẽ tăng dần trong năm nay.
Đồng quan điểm với S&P Global Ratings, dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho rằng, GDP của khu vực Đông Nam Á trong năm 2024 đều tăng cao hơn mức 4,3% của năm 2023 nhờ đà phục hồi mạnh mẽ từ sản xuất và xuất khẩu.
Đặc biệt, một số Ngân hàng trung ương tại các nước ASEAN cũng dự kiến sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024, điều này sẽ giúp tạo ra một số động lực kích thích cho tăng trưởng kinh tế.
Với triển vọng trung hạn, S&P đánh giá tăng trưởng khu vực ASEAN vẫn “rất tích cực”, được củng cố nhờ sự mở rộng bền vững trong tiêu dùng cá nhân tại một số thị trường tiêu dùng lớn nhất ở Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia. Đầu tư mạnh mẽ của các chính phủ vào cơ sở hạ tầng cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung của nhu cầu trong nước.
Điểm đến hấp dẫn của FDI
Theo nhiều chuyên gia, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến ngày càng quan trọng đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tận dụng ngày càng nhiều lợi thế cạnh tranh của khu vực ASEAN.
Có thể nói, ASEAN hiện đang sở hữu nhiều triển vọng thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI, dựa trên nền tảng của nhiều yếu tố. Trước hết, việc tiếp tục mở rộng mạnh mẽ thị trường tiêu dùng nội địa ở các nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đặc biệt là Trung Quốc đại lục và Ấn Độ, sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng về nhu cầu đối với nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và sản phẩm chế tạo cuối cùng của ASEAN. Tăng trưởng kinh tế vững chắc và bền vững đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng về GDP bình quân đầu người ở nhiều thị trường mới nổi lớn nhất châu Á, điều này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của ASEAN. Trong khi đó, thương mại nội khối ASEAN cũng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở các quốc gia Đông Nam Á lớn và đang phát triển nhanh, đặc biệt là Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Trong khi đó, sản phẩm điện tử là một phần quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu của nhiều nền kinh tế ASEAN, điển hình như Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Hơn nữa, chuỗi cung ứng điện tử được tích hợp chặt chẽ giữa các nền kinh tế Đông Á. Triển vọng trung hạn của ngành sản xuất điện tử châu Á được hỗ trợ bởi nhiều động lực tăng trưởng chính, bao gồm sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu về điện tử công nghiệp, cũng như việc tiếp tục triển khai 5G trong 5 năm tới - điều sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu về điện thoại di động 5G.
Ngoài ra, ngành sản xuất ô tô ASEAN sẽ được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi toàn cầu sang xe điện (EV), khiến nhu cầu về xe điện tăng cao. Đầu năm 2023, Hyundai bắt đầu lắp ráp Ioniq 5 EV tại Singapore. Theo đánh giá, Indonesia hiện là trung tâm sản xuất ô tô quan trọng của châu Á và cũng được hưởng lợi từ dòng vốn FDI mạnh mẽ từ các công ty đa quốc gia để xây dựng các nhà máy luyện niken và pin xe điện mới. Trong khi đó tại Thái Lan, Ủy ban Đầu tư đã phê duyệt khoản đầu tư của 16 nhà sản xuất xe chạy pin điện với tổng trị giá khoảng 40 tỷ Baht.
Với việc du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch dự kiến sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng khác của ASEAN trong trung hạn. Các luồng du lịch quốc tế nói chung dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh do thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tại các thị trường tiêu dùng lớn ở châu Á tiếp tục tăng nhanh, thúc đẩy du lịch quốc tế đến các điểm du lịch ASEAN. Điều này sẽ giúp ích cho một số nền kinh tế ASEAN - nơi du lịch đóng góp một phần đáng kể trong tổng GDP, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu ASEAN cũng dự kiến sẽ được củng cố nhờ cấu trúc tự do hóa thương mại khu vực APAC, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) quy mô lớn - với tất cả 10 quốc gia ASEAN đều là thành viên, hay như Hiệp định thương mại đa phương Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có một số thành viên ASEAN. Khu vực ASEAN cũng được hưởng lợi từ Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn liên quan đến các nền kinh tế APAC đang ngày càng phát triển.
Do đó, khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Indonesia - nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới, với quy mô GDP dự báo sẽ tăng từ 1.300 tỷ USD vào năm 2022 lên 4.100 tỷ USD vào năm 2035. Việt Nam và Philippines cũng dự kiến sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035. Trong khi đó, Malaysia dự kiến sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến của khu vực APAC tính theo GDP bình quân đầu người, với GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 26.000 USD vào năm 2035.
Với những tín hiệu lạc quan này, bên cạnh Trung Quốc đại lục và Ấn Độ, ASEAN sẽ là một trong ba động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế APAC trong thập kỷ tới, S&P đánh giá.