Liên minh châu Âu ngày 2/6 đã có biện pháp đáp trả đầu tiên sau khi Nga công bố “danh sách đen” 89 nhân vật chính trị và ngoại giao châu Âu không được phép nhập cảnh nước này.
Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và Liên minh châu Âu đang không chỉ đẩy quan hệ hai bên tới chỗ không thể hóa giải, mà còn khiến cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng trở nên không lối thoát.
Trong một thông cáo, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz ngày 2/6 thông báo, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu Vladimir Tchijov đã bị “cấm cửa” tại thể chế châu Âu này, cùng với một nhân vật chính trị khác của Nga, song không nêu cụ thể.
|
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (ảnh: AFP) |
Theo ông Martin Schulz, do chính quyền Nga đã không thể tạo ra sự minh bạch cho những quyết định của mình, vì thế châu Âu cần phải có phản ứng phù hợp, mà trước tiên là hạn chế việc lui tới các cơ quan của Nghị viện châu Âu đối với 2 nhân vật này.
Cùng với đó, cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu cũng quyết định đình chỉ hợp tác với Ủy ban hợp tác nghị viện Nga- Liên minh châu Âu và đánh giá quyền tiếp cận của các nghị sĩ Quốc hội Nga dựa trên từng trường hợp cụ thể.
Thông cáo của Chủ tịch Nghị viện châu Âu đưa ra sau khi nhận được yêu cầu của các nghị sĩ đảng Xanh muốn mở một phiên tranh luận về lệnh trừng phạt mới của Nga. Liên minh châu Âu cho rằng hành động của Nga là “tùy tiện và vô lý”, dù không gây bất ngờ, song vẫn là một đòn mạnh giáng vào quan hệ Nga- Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Chính phủ Nga ngày 2/6 đã bác bỏ những chỉ trích của Liên minh châu Âu, đồng thời khẳng định, quyết định của nước này là phù hợp và chỉ được đưa ra sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo các nhà phân tích, các đòn “ăn miếng trả miếng” mới này này giữa Nga và Liên minh châu Âu hoàn toàn không bất ngờ. Bởi thực tế cuộc chiến giữa Nga và Liên minh châu Âu chưa bao giờ hạ nhiệt, dù thỏa thuận hòa bình đạt được tại Minsk (Belarus) hồi tháng 2 vừa qua phần nào làm dịu lập trường của các bên.
|
Cuộc chiến giữa Nga và Liên minh châu Âu vẫn chưa hạ nhiệt (hình minh họa: Council of the European Union) |
Nga và Liên minh châu Âu không dễ tìm được tiếng nói chung khi những xung đột về lợi ích liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine là quá lớn. Và chính “sự không khoan nhượng” giữa hai ông lớn này đã khiến cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng trở nên không lối thoát.
Mới đây nhất, cuộc họp nhóm tiếp xúc về Ukraine (gồm các đại diện chính phủ Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) với lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine dự kiến diễn ra ngày 2/6 đã không thể được tổ chức theo kế hoạch và các bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau đã phá hỏng các cuộc đàm phán.
Trong nỗ lực nhằm trấn an các luồng dư luận Đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini cho biết, việc trì hoãn này không ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán vẫn đang đạt được tiến triển.
“Chúng tôi đã quyết định hoãn cuộc họp với đại diện lực lượng đối lập tại Ukraine. Điều duy nhất tôi muốn nói lúc này là công việc vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cho cuộc gặp sắp tới”, bà Heidi Tagliavini nói.
Các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine được nối lại từ ngày 6/5 tại thành phố Minsk, Belarus trong bối cảnh căng thẳng bùng phát trở lại tại khu vực sau một thời gian tạm lắng nhờ lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 2. Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã nhiều lần gặp gỡ để tìm ra một giải pháp toàn diện cuối cùng cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như thúc đẩy việc thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được.
Song rõ ràng, thực tế đang cho thấy, những nỗ lực này chỉ như “giã tràng xe cát”, bởi sự tham gia của các bên liên quan dường như chỉ mang tính hình thức.
Dự kiến, trong tháng này, Liên minh châu Âu sẽ họp bàn về chính sách trừng phạt Nga bởi chính sách này sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Theo những gì mà giới chức Liên minh châu Âu phát biểu thời gian vừa qua, khả năng khối này tung thêm những đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga là hầu như không thể do vấp phải sự phản đối của rất nhiều nước thành viên, đang chịu những tác động ngược của các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, khả năng kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt hiện nay là có thể khi mà cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay vẫn chưa có lối thoát./.