Bước tiến trong sự phối hợp hiếm có này giữa Mỹ và Nga sẽ diễn ra tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/12 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew.
Dự thảo nghị quyết do Nga và Mỹ phối hợp thực hiện nhấn mạnh tới việc thực thi các biện pháp trừng phạt như đóng băng tài sản, cấm đi lại và cấm vận vũ khí.
Nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phải thực hiện các hành động quyết đoán trong việc cắt nguồn cung tài chính cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, trong đó có việc buôn lậu dầu mỏ; đồng thời chặn dòng chảy vũ khí, cũng như dòng người gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại các địa bàn chúng hoạt động như Syria, Iraq, Yemen và Libya.
|
Nga – Mỹ bắt tay thúc đẩy nghị quyết đối phó với IS. (ảnh: AFP). |
Hơn thế nữa, nghị quyết này có thể kêu gọi các nước tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về nguy cơ tấn công khủng bố cũng như để phát triển tiêu chuẩn chung cho việc ngăn chặn nguồn tài chính cho khủng bố. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ vận dụng Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cho phép trừng phạt những nước không tuân thủ nghị quyết này.
Thực tế, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng từng bị liệt vào danh sách trừng phạt hồi tháng 10 năm 2004 dưới cái tên “Al Qaeda tại Iraq”. Việc thay đổi và đưa tên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vào danh sách trừng phạt cho thấy Hội đồng bảo an thực sự quan ngại về mối đe dọa mà lực lượng này gây ra đối với an ninh và hòa bình quốc tế.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về khủng bố và tình báo tài chính, ông Adam Szubin cho biết, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến thông qua một nghị quyết trừng phạt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, trong đó kêu gọi tất cả các nước “hình sự hóa toàn bộ nguồn tài chính cho khủng bố”.
Ông Adam Szubin nêu rõ: “Chúng tôi dự kiến Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thông qua một nghị quyết để áp dụng cơ chế trừng phạt với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tương đương với những biện pháp trừng phạt lâu nay đối với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda”.
“Cơ chế trừng phạt này gồm những công cụ cơ bản của Liên Hợp Quốc như đóng băng những tài sản mà các nhóm khủng bố này sử dụng. Nghị quyết này sẽ tăng cường tính công kích của các lệnh trừng phạt cũng như cho chúng ta sự linh hoạt trong việc truy lùng những kẻ hậu thuẫn cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng dù là cung cấp tài chính hay tàng trữ tài chính cho chúng”, ông Szubin nói.
Cụ thể về phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ađam Subin cho biết, nước này đang nhằm vào đường dây cung cấp dầu lửa mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang lợi dụng để thu lợi bất chính.
Biện pháp đưa ra trong bối cảnh các nước cáo buộc lẫn nhau đang tiếp tay cho hoạt động buôn bán dầu “bẩn” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Nga cho rằng các nước láng giềng của Syria, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ, đã mua dầu lậu của IS dù Ankara bác bỏ cáo buộc này.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ tin rằng phần lớn nguồn thu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng là bán dầu cho chính quyền của chính Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nhưng Damascus cũng bác bỏ cáo buộc này.
Giới chức Mỹ ước tính IS thu về khoảng 500 triệu USD hàng năm nhờ bán dầu từ những giếng dầu mà chúng kiểm soát.
Việc Mỹ bắt tay với Nga để thúc đẩy một nghị quyết chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đánh dấu thêm một bước tiến trong nỗ lực nhằm thu hẹp bất đồng giữa 2 cường quốc liên quan đến các cuộc xung đột trên thế giới như khủng hoảng Syria, Ukraine…
Quyết định đưa ra ngay trước thềm cuộc họp của Nhóm hỗ trợ Syria gồm 17 thành viên tại New York, Mỹ, cho thấy, 2 cường quốc này dần tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria./.