Người vô gia cư tại các khu lều tạm ở Guatemala. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo ông António Guterres, đại dịch COVID-19 đã tàn phá các nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, với thêm khoảng 120 triệu người phải rơi vào cảnh đói nghèo trong năm 2020.
Người đứng đầu LHQ cho rằng, một sự phục hồi không đồng đều đang làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng. Do vậy, cuộc chiến chống đói nghèo cũng phải là một cuộc chiến chống bất bình đẳng.
Đáng chú ý, bất bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19 đã tạo cơ hội cho các biến thể của virus SARS-CoV-2 đột biến và “hoành hành”, gây ra thêm hàng triệu ca tử vong, và kéo dài sự suy thoái kinh tế có thể làm thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.
Qua đó, ông António Guterres đã vạch ra một cách tiếp cận trong việc phục hồi toàn cầu với 3 mũi nhọn để “Xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, bắt đầu bằng ý chí chính trị và quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để đạt được sự bảo vệ xã hội toàn cầu vào năm 2030.
Tổng Thư ký LHQ nhận định, để phục hồi mang tính chuyển đổi nhằm chấm dứt những bất lợi về cơ cấu và bất bình đẳng dai dẳng gây ra đói nghèo ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới phải đầu tư vào công tác đào tạo lại kỹ năng việc làm cho nền kinh tế xanh đang phát triển.
“Chúng ta cần phải đầu tư vào những công việc có chất lượng trong nền kinh tế chăm sóc, điều này sẽ thúc đẩy sự bình đẳng lớn hơn và đảm bảo mọi người đều nhận được sự chăm sóc đúng đắn mà họ xứng đáng có được”, ông António Guterres cho hay.
Ngoài ra, sự phục hồi phải bao trùm để không bỏ lại quá nhiều người phía sau, một điều làm tăng tính dễ bị tổn thương của các nhóm vốn đã yếu thế, và đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) xa khỏi tầm tay hơn bao giờ hết.
Tiếp đó, ông António Guterres cũng lưu ý, số lượng phụ nữ trong tình trạng nghèo đói cùng cực vượt xa so với nam giới. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, 22 người đàn ông giàu có nhất thế giới đã sở hữu nhiều tài sản hơn so với tất cả phụ nữ ở khu vực châu Phi, và khoảng cách đó ngày càng tăng lên.
Chính vì vậy, đầu tư kinh tế phải hướng đến các nữ doanh nhân; chính thức hóa khu vực phi chính thức; tập trung vào giáo dục, bảo trợ xã hội, phổ cập chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe và công việc tử tế; đồng thời thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.
Để xây dựng một thế giới có khả năng phục hồi nhanh, khử carbon và mức phát thải carbon ròng bằng 0, sự phục hồi cần phải mang tính bền vững. Đây cũng là mũi nhọn thứ 3 trong cách tiếp cận nói trên.
“Ngày hôm nay và mỗi ngày, chúng ta hãy chung tay để xóa bỏ đói nghèo và tạo ra một thế giới công bằng, phẩm giá và cơ hội cho tất cả mọi người”, Tổng Thư ký LHQ lưu ý, đồng thời kêu gọi mọi người hãy “lắng nghe nhiều hơn nữa” những người đang sống trong cảnh nghèo đói, giải quyết các vấn đề bất bình và “xóa bỏ các rào cản” để hòa nhập trong mọi xã hội.
Được biết, Ngày Quốc tế xóa nghèo (17/10) năm nay được tổ chức với chủ đề: “Cùng nhau xây dựng tương lai: Chấm dứt tình trạng nghèo đói dai dẳng, tôn trọng tất cả mọi người và hành tinh”.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News & un.org)