Có thể nói rằng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế người dân, ngành công nghiệp địa phương và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại, gần một nửa nhân loại đang phải chịu những hình thức hạn chế khác nhau. Hơn 4,7 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 313.000 người đã bỏ mạng vì dịch bệnh. Để “làm phẳng đường cong này”, chính quyền các nước đã ban hành nhiều hướng dẫn an toàn và khuyến khích mọi người thực hiện để đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội.
Tờ The ASEAN Post dẫn nhận định của chuyên gia rằng, cho đến khi một loại vaccine khả thi cho COVID-19 được phát triển, một số biện pháp hạn chế vẫn sẽ tiếp tục được yêu cầu thực hiện. Nhờ đó, người dân toàn cầu, đặc biệt là người dân ASEAN có cơ hội làm quen với nhiều thói quen mới sau dịch COVID-19.
Nhiều thói quen mới được hình thành do tác động của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: VOV
Đeo khẩu trang
Đơn cử, việc bắt tay đơn giản – một hình thức phổ biến thay cho lời chào thân thiết sẽ bị hạn chế.
Ở một số quốc gia ASEAN, thông thường, việc đeo khẩu trang là không bắt buộc. Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng khan hiếm khẩu trang diễn ra trầm trọng. Sau thời gian dài chống dịch, khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, đeo khẩu trang không chỉ là hành động bắt buộc, mà còn là thói quen mà con người tạo ra để tự bảo vệ mình. Ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo khuyên các cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát, đảm bảo mỗi hộ gia đình đều có khẩu trang và không cho phép ai sử dụng phương tiện công cộng mà không đeo khẩu trang.
Ở Việt Nam, thậm chí còn phạt tiền những ai ra đường không đeo khẩu trang.
Làm việc tại nhà
Một trong những thay đổi đáng chú ý gây nên bởi dịch là sự xuất hiện của “làm việc từ xa” áp dụng cho cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn. Sau khi quá trình phong tỏa và giãn cách xã hội diễn ra, một số công ty đang dần chấp nhận làm việc tại nhà là một điều bình thường và có khả năng sẽ triển khai trong thời gian dài. Tuy nhiên, “thói quen làm việc mới này” vẫn vấp phải sự phản đối của một số công ty, doanh nghiệp bởi họ cho rằng cách thức làm việc mới không hoàn toàn phù hợp với đội ngũ lao động và cả hoạt động của công ty.
Ở Singapore, khảo sát được thực hiện bởi Engagerocket phối hợp với Viện Quản trị Nhân sự Singapore (SHRI) cùng nhiều đối tác khác chỉ ra rằng 90% lao động Singapore muốn tiếp tục làm việc tại nhà sau khi dịch kết thúc.
Số hóa
COVID-19 đã và đang đẩy nhanh tiến trình áp dụng văn hóa kỹ thuật số trên toàn thế giới. Khi hàng triệu người đang làm việc tại nhà, mua hàng trực tuyến và sử dụng ví điện tử... trở nên phổ biến.
“Về số hóa, tôi coi đây là một thách thức mới để đưa cuộc sống của mình trở lại bình thường. Nhưng là bình thường theo một cách mới mẻ. Quá trình số hóa trong chính quyền, doanh nghiệp và cả cuộc sống hằng ngày sẽ là xu hướng trong tương lai của chúng tôi”, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho hay.
Xã hội đang ngày càng thay đổi sau dịch. Số hóa bắt đầu đi vào đời sống. Điều này được thể hiện rõ nhất khi giao dịch trực tuyến và tổ chức đám cưới ảo ngày càng được ưa chuộng...
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi những thói quen mới được hình thành, vào thời điểm vaccine mới được sản xuất và đưa vào sử dụng, liệu “những thói quen này” sẽ tiếp tục tồn tại, hay biến mất.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The ASEAN Post)