|
Công nhân làm mát dưới thời tiết nắng nóng ở thành phố Sevilla, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Người lao động, đặc biệt là những người nghèo nhất thế giới, dễ bị tổn thương hơn so với dân số nói chung trước những nguy cơ của các hiện tượng khí hậu cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và bão, vì họ thường là đối tượng đầu tiên tiếp xúc hoặc tiếp xúc trong thời gian dài hơn và với cường độ lớn hơn.
ILO cho biết trong một báo cáo, khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các chính phủ và người sử dụng lao động đang nỗ lực để bảo vệ người lao động.
Cụ thể, báo cáo có tiêu đề “Đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc trong điều kiện khí hậu đang thay đổi” cho hay: “Một số lượng đáng kinh ngạc người lao động đang phải đối mặt với các mối nguy hiểm liên quan đến biến đổi khí hậu tại nơi làm việc, và những con số này chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn… Khi các mối nguy hiểm phát triển và gia tăng, cần phải đánh giá lại luật pháp hiện hành hoặc tạo ra các quy định và hướng dẫn mới”.
“Một số quốc gia đã hạn chế sự tiếp xúc với nhiệt độ cao và cũng hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí, nhưng hiếm khi các giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp được đặt ra đối với các mối nguy hiểm khác”, bà Manal Azzi, chuyên gia cấp cao của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nói thêm.
Cũng theo báo cáo nói trên, tỷ lệ người lao động toàn cầu phải đối mặt với mối nguy hiểm phổ biến nhất là nhiệt độ tăng cao, đã tăng khoảng 5 điểm phần trăm trong hai thập kỷ qua lên mức 70,9%.
Các mối nguy hiểm khác về khí hậu thường cùng tồn tại, tạo ra một “hỗn hợp các mối nguy hiểm”, với bức xạ tia cực tím và ô nhiễm không khí, mỗi loại nguy hiểm ảnh hưởng đến 1,6 tỷ người.
Vì một người lao động có thể phải tiếp xúc với nhiều mối nguy hiểm cùng một lúc, một người phát ngôn của ILO cho rằng, không thể tính toán chính xác phần nào trong số 3,4 tỷ lực lượng lao động toàn cầu gặp phải rủi ro.
Các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu có liên quan đến bệnh ung thư, rối loạn chức năng thận và các bệnh về đường hô hấp, dẫn đến tử vong hoặc làm suy nhược các tình trạng mãn tính hoặc khuyết tật.
Báo cáo của ILO lưu ý, ô nhiễm không khí là nguy cơ nghiêm trọng nhất, gây ra khoảng 860.000 ca tử vong liên quan đến lao động ở những người lao động ngoài trời hàng năm. Nhiệt độ quá cao gây ra 18.970 ca tử vong nghề nghiệp mỗi năm, và bức xạ tia cực tím cướp đi sinh mạng của 18.960 người do ung thư da không phải khối u ác tính.
“Người lao động nghèo, những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, người lao động thời vụ và người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất”, báo cáo nói thêm.
Trong một số trường hợp, chính những công nghệ nhằm làm chậm biến đổi khí hậu như các tấm pin mặt trời và pin lithium-ion cho xe điện có thể tạo ra những mối nguy hiểm mới, vì chúng chứa các hóa chất độc hại.
Được biết, ILO sẽ lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp lớn vào năm 2025 với các đại diện chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để đưa ra những hướng dẫn chính sách về các hiểm họa khí hậu.