Thế giới

Làm việc dưới nắng gây ra 1/3 số ca tử vong vì ung thư da không tế bào hắc tố

ClockThứ Bảy, 11/11/2023 18:14
TTH.VN - Theo ước tính chung vừa được công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), gần 1/3 số ca tử vong do ung thư da không tế bào hắc tố (non-melanoma skin cancer) là do làm việc dưới ánh nắng mặt trời.

Công đoàn kêu gọi châu Âu đặt giới hạn nhiệt độ để làm việc ngoài trời

Những người làm việc ngoài trời phải chịu gánh nặng lớn về bệnh ung thư da không tế bào hắc tố do phơi nhiễm tia cực tím. Ảnh minh họa: Getty Images

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế cho thấy những người làm việc ngoài trời phải chịu gánh nặng lớn về bệnh ung thư da không tế bào hắc tố, từ đó, các tổ chức này kêu gọi hành động để ngăn chặn mối nguy hiểm nghiêm trọng tại nơi làm việc, cũng như tổn hại về tính mạng của người lao động mà nó gây ra.

Ước tính, năm 2019 có 1,6 tỷ người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) bị phơi nhiễm tia cực tím khi làm việc ngoài trời, tương đương 28% tổng số người trong độ tuổi lao động. Chỉ riêng năm 2019, gần 19.000 người ở 183 quốc gia đã chết vì ung thư da không tế bào hắc tố do phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời, phần lớn trong số đó (chiếm 65%) là nam giới.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết việc tiếp xúc không được bảo vệ với bức xạ tia cực tím mặt trời tại nơi làm việc là nguyên nhân chính gây ra bệnh “ung thư da nghề nghiệp”. Tuy nhiên, có những giải pháp hiệu quả để bảo vệ người lao động khỏi các tia có hại của mặt trời và ngăn chặn tác hại chết người của chúng.

Các ước tính xác định phơi nhiễm do nghề nghiệp với bức xạ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời là yếu tố rủi ro liên quan giữa công việc với gánh nặng tử vong do ung thư cao thứ ba trên toàn cầu. Từ năm 2000 đến năm 2019, số ca tử vong vì ung thư da do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi làm việc đã tăng gần gấp đôi - tăng 88% từ 10.088 ca tử vong năm 2000 lên 18.960 ca tử vong vào năm 2019.

Ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc ILO cho rằng: “Một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản tại nơi làm việc… Tử vong do tiếp xúc không được bảo vệ với bức xạ cực tím trong khi làm việc phần lớn có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp hiệu quả về mặt chi phí. Điều cấp bách là các chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và đại diện của họ phải cùng nhau làm việc trong khuôn khổ các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định rõ ràng để giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp khi tiếp xúc với tia cực tím. Điều này có thể giúp cứu sống hàng ngàn người mỗi năm”.

Cần thêm hành động để bảo vệ người lao động ngoài trời

Từ nghiên cứu này, WHO kêu gọi cần có nhiều hành động hơn để bảo vệ người lao động trước những công việc nguy hiểm dưới ánh nắng mặt trời. Thực tế, ung thư da phát triển sau nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ tiếp xúc, do vậy, người lao động phải được bảo vệ khỏi bức xạ tia cực tím tại nơi làm việc từ khi còn là những lao động trẻ. Các chính phủ nên thiết lập và thực hiện các chính sách và quy định nhằm bảo vệ người lao động ngoài trời khỏi bệnh ung thư da do ánh nắng mặt trời bằng cách cung cấp bóng râm che nắng, chuyển giờ làm việc khỏi buổi trưa, trang bị cho người lao động kem chống nắng và quần áo bảo hộ cá nhân… Các biện pháp bảo vệ nên được thực hiện khi chỉ số tia cực tím - thang đánh giá lượng bức xạ cực tím gây hại cho da, từ 3 trở lên.

Gần đây, WHO, ILO, Tổ chức Khí tượng Thế giới và Chương trình Môi trường LHQ đã ra mắt ứng dụng SunSmart Global UV mà những người làm việc ngoài trời có thể sử dụng để ước tính mức độ phơi nhiễm với bức xạ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời đới với mỗi người.

Ngoài ra, còn nhiều biện pháp khác nhằm giảm nguy cơ ung thư da, bao gồm nâng cao nhận thức của người lao động về thời điểm xảy ra phơi nhiễm nghề nghiệp với bức xạ tia cực tím và gây ra ung thư da, đồng thời cung cấp các dịch vụ và chương trình để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư da.

Những ước tính này dựa trên một báo cáo gần đây của WHO, trong đó nhấn mạnh rằng việc tiếp xúc với bức xạ tia cực tím do nghề nghiệp có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư da không tế bào hắc tố ước tính tăng 60%. Ước tính rủi ro này dựa trên phân tích tổng hợp của 25 nghiên cứu bệnh chứng với hơn 286.000 người tham gia sống ở 22 quốc gia trên ba khu vực của WHO.

Ung thư da không tế bào hắc tố đề cập đến một nhóm bệnh ung thư phát triển ở các lớp trên của da. Hai loại ung thư chính của ung thư da không tế bào hắc tố là ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy.

BẢO NGHI (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO: Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19

​Bằng chứng mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy việc lạm dụng kháng sinh đã diễn ra rộng rãi trong giai đoạn đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, điều này có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan “thầm lặng” của tình trạng kháng kháng sinh (AMR).

WHO Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
Return to top