Thế giới

Nguy cơ Brexit không thoả thuận khiến doanh số bán lẻ tại Anh giảm

ClockThứ Ba, 08/10/2019 14:23
Theo phóng viên TTXVN tại London, nguy cơ nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, không có thỏa thuận đã làm người tiêu dùng nước này cắt giảm chi tiêu, dẫn đến tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Anh xấu nhất trong vòng hơn 20 năm qua.

Pháp muốn Anh dứt điểm đề xuất Brexit trong tuần nàyThủ tướng Anh Boris Johnson tiết lộ kế hoạch Brexit mới 'có nhượng bộ'Anh sẽ đưa ra đề xuất cuối cùng về Brexit vào hôm nayHàn Quốc, Anh mở kênh đối thoại cấp thứ trưởng trước thềm BrexitĐức cảnh báo không còn nhiều thời gian cho thỏa thuận Brexit

Người dân mua sắm tại siêu thị Sainsbury ở Stockport, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu của Hiệp hội bán lẻ Anh và công ty tư vấn KPMG cho thấy doanh số bán lẻ tại Anh trong tháng 9 đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất của tháng 9 kể từ khi chỉ số này bắt đầu được thu thập vào năm 1995. Doanh số bán lẻ trong 3 tháng, từ tháng 7-9, cũng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước do doanh số bán các mặt hàng phi thực phẩm giảm tới 1,7%, trong khi chi tiêu cho thực phẩm vẫn tăng.

Giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ Anh Helen Dickinson cho rằng nguy cơ Brexit không thỏa thuận ngày càng đè nặng, tạo áp lực với người tiêu dùng trong việc quyết định mua hàng, do đó việc doanh số bán lẻ giảm không có gì là đáng ngạc nhiên. Bà cũng khẳng định bế tắc chính trị liên quan đến vấn đề Brexit đang gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và các nhà bán lẻ.

Người đứng đầu bộ phận theo dõi lĩnh vực bán lẻ của công ty tư vấn KPMG, Paul Martin cũng cho rằng tương lai không chắc chắn do Brexit rõ ràng có tác động lớn đến tâm lý tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện chỉ tập trung vào những thứ thiết yếu, do đó thực phẩm là một trong số ít danh mục hàng hóa có doanh số bán lẻ tăng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từng khẳng định sẽ không trì hoãn Brexit tới sau ngày 31/10, nhấn mạnh rằng những đề xuất mới nhất của ông là cơ hội cuối cùng để đạt được một thỏa thuận. Trước đó, Thủ tướng Johnson đã công bố kế hoạch Brexit được coi như cuối cùng của mình, với phần nội dung tập trung vào giải pháp duy trì đường biên giới mở trên đảo Ireland. Ông Johnson đề xuất duy trì vùng quy định chung trên toàn đảo, cho phép cơ quan lập pháp vùng Bắc Ireland thể hiện quan điểm trước khi các dàn xếp được thực thi và sau đó có quyền đánh giá theo chu kỳ 4 năm/lần với những biện pháp này. Bên cạnh đó, Anh đề xuất hai bên cam kết không thiết lập các điểm kiểm tra tại biên giới giữa vùng Bắc Ireland của Anh và CH Ireland, thay vào đó là áp dụng cơ chế "thuế quan phi tập trung" với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

Trong số các nước thành viên còn lại trong EU, CH Ireland được xem là nước dễ bị ảnh hưởng nhất do Brexit bởi nước này có quan hệ thương mại gần gũi và có chung đường biên giới trên bộ với Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Chính phủ Ireland cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có nguy cơ chững lại vào năm tới và có thể mất 80.000 việc làm nếu Anh rời "mái nhà chung" châu Âu. Dự kiến trong ngày 8/10, Bộ trưởng Tài chính CH Ireland Paschal Donohoe sẽ trình dự thảo ngân sách 2020 chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top