Thế giới

Nguy cơ xảy ra nắng nóng ở Châu Á tăng gấp 45 lần do biến đổi khí hậu

ClockChủ Nhật, 19/05/2024 06:19
TTH - Theo một nghiên cứu mới của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, tình trạng nắng nóng gay gắt như đợt cuối tháng 4 vừa qua ở châu Á và Trung Đông có nguy cơ xảy ra cao gấp 45 lần do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Châu Á đối mặt với tình trạng “điều hòa cháy hàng” vì sóng nhiệt

 Một người kéo xe đang vuốt nước lên mặt để làm dịu cơn nóng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh vào ngày 16/4/2024. Ảnh: CNN/qdnd

Nhiệt độ thiêu đốt được cảm nhận trên khắp các khu vực rộng lớn của châu Á, từ Gaza ở phía tây cho đến Philippines ở phía đông nam, với nhiều khu vực của lục địa trải qua nhiệt độ trên 40 độ C trong nhiều ngày liên tiếp.

Nghiên cứu đã sử dụng các mô hình khí hậu được thiết lập để xác định liệu biến đổi khí hậu do con người gây ra có góp phần dẫn tới các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới hay không. Kết quả cho thấy, nắng nóng nghiêm trọng ở Philippines dường như sẽ “không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, ở các quốc gia như Palestine và Israel, biến đổi khí hậu khiến sóng nhiệt có khả năng xảy ra cao gấp 5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp và nóng hơn 1,7 độ C.

Tại Nam Á, người ta nhận thấy nắng nóng bất thường có khả năng xảy ra cao gấp 45 lần và đẩy nhiệt độ tăng cao hơn 0,85 độ C do biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto của Đại học Imperial ở London - tác giả nghiên cứu, cho biết, nhiều người dân đã phải vật lộn với nắng nóng và thậm chí tử vong khi nhiệt độ tháng 4 tăng vọt ở châu Á. Và “nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, khí hậu sẽ tiếp tục ấm lên và những người dễ bị tổn thương sẽ tiếp tục thiệt mạng”, ông Otto cảnh báo.

Theo nghiên cứu, ít nhất 28 trường hợp tử vong liên quan đến sốc nhiệt đã được báo cáo ở Bangladesh, 5 trường hợp ở Ấn Độ và 3 trường hợp ở Gaza vào tháng 4. Sự gia tăng số ca tử vong do nắng nóng cũng đã được ghi nhận ở Thái Lan và Philippines trong năm nay, trong khi nhiều ca tử vong khác liên quan đến nhiệt có thể đã xảy ra mà không được báo cáo.

Ngoài ra, nắng nóng cũng có tác động lớn đến nông nghiệp, gây thiệt hại mùa màng và giảm năng suất. Nắng nóng gay gắt cũng ảnh hưởng đến giáo dục, khiến các kỳ nghỉ phải kéo dài và nhiều trường học ở một số quốc gia phải đóng cửa, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn học sinh.

Trong tháng 4, Myanmar, Lào và Việt Nam đã phá kỷ lục về ngày có nhiệt độ cao nhất, trong khi Philippines trải qua đêm nóng nhất từ trước đến nay. Ở Ấn Độ, nhiệt độ có lúc lên tới 46 độ C. Đây là tháng 4 nóng nhất trên toàn cầu từng được ghi nhận và là tháng thứ 11 liên tiếp phá kỷ lục về tháng có nhiệt độ cao nhất.

Các chuyên gia khí hậu cho biết, tình trạng nắng nóng cực độ ở Nam Á trước mùa gió mùa đang trở nên thường xuyên hơn và nhiệt độ khắc nghiệt hiện tại trong khu vực nóng hơn khoảng 0,85 độ C do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những người phải di tản trong nước, những người di cư và những người ở trong các trại tị nạn đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng nắng nóng gay gắt.

Ông Aditya Valiathan Pillai, chuyên gia của tổ chức tư vấn Sustainable Futures Collaborative cho biết, xét về mặt khoa học, những phát hiện này ở mức “đáng báo động”, nhưng đối với những người đang sống trong điều kiện bấp bênh, nó có thể lên tới mức “cực kỳ nguy hiểm”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Climate Risk Horizons – ông Ashish Fernandes nói rằng, nghiên cứu này cho thấy những tác động mang tính hệ thống trên phạm vi rộng của tình trạng nắng nóng do biến đổi khí hậu. “Nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế chính hiện đang “có vấn đề” ở Ấn Độ, bạn sẽ thấy lạm phát lương thực, năng suất thấp, thất nghiệp… tất cả những điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn sau mỗi đợt nắng nóng mới”, ông Fernandes nêu rõ.

Trước đó, một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, nhiệt độ có thể góp phần làm mất 650 tỷ giờ lao động mỗi năm trên toàn cầu, gây thiệt hại ước tính tương đương 2.100 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017.

Với tình hình hiện tại, các chuyên gia về khí hậu cho rằng cần nâng cao nhận thức về rủi ro nhiệt, tăng đầu tư công và tư nhân để đối phó với tình trạng nhiệt độ ngày càng cao, song song đó, cần nghiên cứu thêm về tác động của sự thay đổi nhiệt độ để đối phó với các đợt nắng nóng trong tương lai.

“Nhiệt độ gia tăng hiện là một trong những rủi ro hàng đầu về sức khỏe cá nhân đối với hàng triệu người trên thế giới, đồng thời cũng là mối đe dọa tới sự phát triển kinh tế của các quốc gia”, ông Fernandes nhấn mạnh.

Tố Quyên

(Lược dịch từ Bloomberg & AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ tác hại từ hàng ngàn m3 vật chất nạo vét

Với khoảng 26.000m3 vật chất nạo vét (bùn đất thải) tại công trình nạo vét cồn đất phía thượng lưu đập La Ỷ (TP. Huế) được đổ tại các địa phương, đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Nguy cơ tác hại từ hàng ngàn m3 vật chất nạo vét
Về làng gặp ngọn gió nam

Những ngày giữa hạ tôi về làng và gặp ngọn gió nam. Gió nam như một người bạn của tuổi thơ tôi gian khó, vừa gần gũi lại vừa khó tính. Gió nam thổi thốc vào mặt tôi như muốn hỏi có nhớ đứa bạn này không hay sống xa quê lâu ngày mà quên mất rồi?

Về làng gặp ngọn gió nam
Return to top