Nhật Bản vật lộn trong cuộc chiến nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh. Ảnh minh họa: AFP/ Nhân dân
Vấn đề bùng phát khi Nhật Bản được mệnh danh là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất. Đồng thời, Nhật Bản cũng có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu được chính phủ Nhật Bản công bố hồi đầu tháng 8 vừa qua, tính riêng năm 2019, nhóm người cao tuổi của Nhật Bản chiếm kỷ lục 28,41% tổng dân số cả nước. Cộng thêm tỷ lệ sinh giảm, lần đầu tiên xuống dưới mức 900.000 vào năm 2019, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có lực lượng dân số đang trong độ tuổi lao động giảm dần vào thời điểm chi tiêu an sinh xã hội tăng vọt do chi trả lương hưu và chăm sóc y tế cho người già đang đè nặng lên ngân sách nước nhà.
“Một số cuộc khảo sát của khu vực tư nhân đã dự đoán rằng số lượng trẻ em mới sinh của Nhật Bản thậm chí có thể giảm xuống dưới 700.000 vào năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là một vấn đề khẩn cấp đáng lưu ý”, một quan chức Nhật Bản cho hay.
Được biết, chứng kiến tỷ lệ sinh giảm liên tục, ngay đầu những năm 1990, chính phủ nước này đã tích cực khuyến khích các gia đình sinh thêm con, cũng như áp dụng nhiều biện pháp để tăng tỷ lệ sinh như xây dựng thêm nhiều trường mẫu giáo, cung cấp nhiều quyền lợi cho trẻ em và giảm chi phí khám thai.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn không thể ngăn cản tỷ lệ sinh giảm. Điều này được nhìn thấy rõ nhất khi bất chấp tỷ lệ sinh đạt mức cao 4,54 vào năm 1947 và được xem là một cuộc bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh, nhưng đến năm 2005, con số này đã giảm xuống còn 1,26.
Đến năm 2015, tỷ lệ phục hồi nhẹ và chạm mốc 1,45, song lại tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm xuống còn 1,36 vào năm 2019.
Nhận định về vấn đề này, ông Matsuyama – Chủ tịch Ủy ban của đảng LDP cầm quyền phụ trách các vấn đề quốc hội tại Thượng viện Nhật Bản khẳng định: “Nhà nước phải cho nhân dân thấy rằng họ đang nghiêm túc giảm quyết vấn đề”. Ngoài ra, vị lãnh đạo cho rằng Nhật Bản cần những chính sách táo bạo để thúc đẩy các bậc cha mẹ trẻ tuổi sinh con và nuôi dạy con cái.
Một trong những đề xuất của ông Matsuyama đang kêu gọi là đưa ra khoản hỗ trợ tối thiểu 1 triệu Yen (9.400 USD) cho mỗi trẻ em sinh ra. Đây là một trong hàng loạt những ý kiến dự thảo được đưa ra trong chính sách chống lại tỷ lệ sinh giảm biên soạn hồi tháng 4.
Trong khi đó, Giáo sư của Đại học Keio (Tokyo) Makiko Nakamuro cho rằng chính phủ phải “đảo ngược cách suy nghĩ” và bắt đầu phân bố nhiều ngân sách hơn cho trẻ em và giáo dục nếu nhà nước Nhật Bản muốn ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm, bởi theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cung cấp, tỷ lệ chi tiêu của Nhật Bản dành do giáo dục công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước đang ở top thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.
Trong một thông tin có liên quan, trong cuối tháng 5, Nội các Nhật Bản đã thông qua các hướng dẫn chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh lên 1,8, cùng với đó là kêu gọi cung cấp nhiều quỹ hơn để hỗ trợ cho các phương pháp điều trị hiếm muộn do người dân kết hôn muộn. Ngoài ra, các hướng dẫn cũng khuyến nghị tăng phụ cấp cho thời gian thai sản... Mặc dù đã có nhiều kế hoạch được đưa ra, song các lãnh đạo vẫn lo ngại rằng ngân sách nhà nước sẽ không đủ để thực hiện, bởi đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn quá mạnh vào kho bạc nhà nước.
Đan Lê (Lược dịch từ Japan Times)