Số ca sinh ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ mục trong năm 2021. Ảnh: Wataru Ito/Phunuonline
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, trong dữ liệu sơ bộ được công bố ngày 25/2, cả nước có 842.897 ca sinh trong năm 2021, giảm 3,4% so với một năm trước đó.
Một phân tích chính thức dựa trên dữ liệu mới cho rằng “có khả năng mọi người không mang thai do lo lắng về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tương lai khi COVID-19 lần đầu tiên bắt đầu lan rộng”.
Cụ thể, số ca sinh giảm nhiều nhất vào các tháng 1 và 2 năm ngoái, tương đương với thời điểm thụ thai là khoảng tháng 4 - tháng 5 năm 2020 - trùng với giai đoạn Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp đầu tiên do đại dịch COVID-19. Mặc dù tỷ lệ sinh con đã phục hồi nhẹ vào cuối năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn rõ rệt so với trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Đáng chú ý, số liệu sơ bộ vừa được công bố bao gồm cả những trường hợp sinh con giữa người Nhật Bản và người nước ngoài sống ở Nhật Bản, cũng như người Nhật Bản sống ở nước ngoài. Do vậy, dữ liệu được hoàn thiện vào cuối năm nay sẽ thậm chí còn cho thấy “cuộc khủng hoảng sinh sản” nghiêm trọng hơn, khi chỉ tính đến số ca sinh của công dân Nhật Bản đang sinh sống trong nước.
Theo Straitstimes, tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm ngoái ở mức 1,33, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của chính phủ là 1,8 vào năm 2025. Con số thực tế này còn cho thấy Nhật Bản gần như “nằm ngoài khả năng” có thể đạt được tỷ lệ thay thế cần thiết là 2,1 để duy trì dân số ở mức ổn định.
Nỗ lực của chính phủ
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản từ lâu đã phải lo lắng trước vấn đề được cho là “thách thức không thể vượt qua”, với số ca sinh rơi tự do kể từ năm 2016 - khi số ca sinh ở nước này giảm xuống dưới ngưỡng 1 triệu lần đầu tiên.
Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra cách tiếp cận Band-Aid - được đánh giá là một trong những chính sách chăm sóc trẻ hào phóng nhất trên thế giới. Theo đó, các bậc cha mẹ mới sinh con có thể nghỉ việc để chăm sóc con cái lên đến một năm và được trả tới 80% tiền lương thông qua bảo hiểm lao động và phúc lợi của chính phủ.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, xu hướng dân số giảm nhanh chóng của quốc gia này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia ước tính rằng dân số của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ giảm xuống dưới 100 triệu người vào năm 2053 và ở mức 88,08 triệu người vào năm 2065. Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp hiện tại của chính phủ vẫn chưa đi đủ xa để giải quyết các vấn đề về cấu trúc.
Gần đây, thuật ngữ Oya-gacha (“cha mẹ gacha”) đã trở thành xu hướng ở Nhật Bản, một từ thông dụng được tạm dịch là tương lai của một đứa trẻ được xác định một cách ngẫu nhiên vào thời điểm được sinh ra, ví như một trò may rủi.
Thuật ngữ này được đề cử là một trong những từ thông dụng hàng đầu của năm 2021 trong một giải thưởng văn học hàng năm của Nhật Bản, đã chỉ ra các vấn đề cơ cấu mà Thủ tướng Fumio Kishida sẽ phải đối mặt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh sản đe doạ có thể làm tê liệt quốc gia này.
Thuật ngữ “cha mẹ gacha”, báo hiệu những lo lắng về việc tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ sẽ truyền sang thế hệ con cái, phản ánh sự thiếu hy vọng trước những áp lực tài chính phát sinh từ mức lương thấp và thuế cao.
Hơn nữa, thất nghiệp đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người trong độ tuổi sinh đẻ. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,8% vào năm ngoái, con số này là 3,8% ở những người từ 25-34 tuổi và 4,6% ở những người từ 15-24 tuổi.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Kishida đang hướng tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách thúc đẩy tăng lương, nhất là trong tầng lớp trung lưu, theo các chính sách phân phối lại như được đề xuất dưới theo “chủ nghĩa tư bản kiểu mới” của ông.
Ông cũng sẽ thành lập một “cơ quan gia đình và trẻ em mới” vào tháng 4 năm sau để đóng vai trò là trung tâm kiểm soát một cửa đối với tất cả trẻ em và các chính sách liên quan đến gia đình, nhằm giảm thiểu tình trạng quan liêu và tạo môi trường tốt hơn cho việc nuôi dạy trẻ. Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các biện pháp để giảm số trẻ em trong danh sách chờ nhà trẻ để khuyến khích các bậc cha mẹ đi làm sinh con.
Cộng thêm vào cuộc khủng hoảng sinh sản là số lượng các cuộc hôn nhân trong năm ngoái đã giảm xuống mức thấp chỉ với hơn 514.000 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm 4,3% so với năm 2020. Điều này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sinh sản, vì ở Nhật Bản, rất ít trẻ sơ sinh được sinh ngoài giá thú.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã có hơn 1,45 triệu trường hợp tử vong trong năm ngoái. Đây là số tử vong cao nhất sau chiến tranh, và tăng hơn 67 ngàn ca so với một năm trước đó. Điều này dẫn đến kết quả là mức giảm dân số tự nhiên - khi số người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra - lần đầu tiên ở mức hơn 609 ngàn người, vượt quá mốc 600 ngàn người trong một năm.
Tố Quyên (Lược dịch từ Straitstimes & Kyodo News)