Thế giới

Những vấn đề “nóng” trên bàn nghị sự ASEAN

ClockThứ Năm, 06/08/2015 13:58
TTH - Những ngày đầu tháng 8/2015, các cuộc họp thường niên của ASEAN bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM-48), Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 22 và nhiều cuộc họp khác đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN và nhiều nước khác bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam dự Hội nghị.

Ngoại trưởng các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: ibtimes

“Nóng” vấn đề Biển Đông

Bất chấp việc Trung Quốc kiên quyết cho rằng, vấn đề Biển Đông không nên được đưa ra thảo luận tại cuộc họp thường niên của ASEAN thì những căng thẳng trên Biển Đông vẫn trở thành chủ đề “nóng”, được thảo luận sâu trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48.
Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia, Anifah Aman nói rằng, AMM-48 đã “thảo luận một cách bao quát” vấn đề này tại phiên họp ngày 4/8, đồng thời cũng đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mạnh mẽ lên án điều mà ông gọi là “hoạt động bồi đắp khổng lồ” của Bắc Kinh, đã “hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định” trong khu vực. Phát biểu trong hội nghị, Ngoại trưởng Philippines cho biết “không hề thấy sự hạ nhiệt từ các hoạt động đơn phương và gây hấn của nước láng giềng phương Bắc ở Biển Đông”, ám chỉ đến Trung Quốc.
Mỹ - mặc dù không phải là nước có tranh chấp chủ quyền trong cuộc xung đột trên biển và có chính sách không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, nhưng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tạm ngừng các hoạt động xây dựng tại các khu vực tranh chấp triển khai quân đội trên Biển Đông, đồng thời cũng nói rằng, một giải pháp hòa bình và tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Philippines cho biết nước này sẽ tích cực ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ về “3 ngừng”: ngừng hoạt động bồi lấp, ngừng hoạt động xây dựng và ngừng các hành động gây hấn có khả năng làm leo thang căng thẳng…
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, người sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), cho biết Úc cũng thể hiện mối quan tâm đối với những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong các cuộc họp.
Các ngoại trưởng ASEAN cũng nhất trí cho rằng tình hình Biển Đông ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Vì vậy, các nước cần tăng cường đoàn kết, nâng cao trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
Theo TTXVN, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN cần phát huy sự chủ động, thúc đẩy các bên tuân thủ nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ửng xử ở Biển Đông (COC).
Tăng cường nỗ lực hình thành COC
Trước bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, trang ANN ngày 5/8 cho biết, các Ngoại trưởng của khu vực kêu gọi các nỗ lực tăng cường để sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman Datuk Seri nói rằng, mặc dù có nhiều tiến bộ trong các cuộc tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về COC nhưng tốc độ cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. “Chúng tôi kêu gọi các quan chức cấp cao tăng cường tham vấn để COC có thể được thiết lập càng sớm càng tốt,” ông nói với các phóng viên sau khi kết thúc Phiên họp toàn thể và Phiên họp hẹp của AMM 48.
ANN dẫn lời ông Anifah cho biết, các Ngoại trưởng cũng đã thảo luận về cách thức giải quyết sự xói mòn niềm tin giữa các bên sau những diễn biến gần đây ở Biển Đông, bao gồm việc cải tạo đất và leo thang căng thẳng trên mặt đất, đồng thời tìm giải pháp có thể cho “các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng những bất đồng giữa các bên liên quan không leo thang thành một tình huống có thể làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Hướng tới Cộng đồng ASEAN
Ngoài vấn đề Biển Đông, hãng thông tấn nhà nước Malaysia Bernama cũng cho hay, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 22 diễn ra ngày 6/8 sẽ thông qua việc áp dụng một số kế hoạch hành động và sáng kiến làm kim chỉ nam cho ARF gia đoạn giữa năm 2015-2016, và hướng tới việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 này.
Theo lời Ngoại trưởng Malaysia, các kế hoạch hoạt động nhằm giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng đến khu vực như an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh và sử dụng thông tin và công nghệ truyền thông. “Các kế hoạch hành động của ARF và các sáng kiến ​​sẽ gắn kết sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước tham gia ARF nhằm giải quyết các vấn đề an ninh chính trị quan trọng trong khu vực và hướng tới việc thành lập Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN,” ông nói với Bernama.
Mặc dù hài lòng với tốc độ thực hiện các biện pháp trong Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng An ninh chính trị, các Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với các nước thành viên ASEAN trong việc đẩy nhanh thực hiện những biện pháp còn lại để Cộng đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và các văn kiện liên quan bởi nó sẽ cung cấp cho ASEAN một lộ trình cụ thể trong 10 năm tới và đưa Hiệp hội mười quốc gia ASEAN trở thành một cộng đồng duy nhất, phù hợp với phương châm “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.
Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak cho rằng, các chính sách cho ASEAN trong tương lai phải dựa trên tính toàn diện và bền vững nếu tổ chức này muốn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.
Thực tế, 10 quốc gia thành viên của ASEAN đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, và việc thu hẹp các khoảng cách này “sẽ là điều cần thiết nếu chúng ta muốn xây dựng một ASEAN thực sự hội nhập, đó là lý do tại sao tính toàn diện và bền vững phải là trọng tâm của các chính sách tương lai của chúng ta”, Thủ tướng Najib tuyên bố.
Tố Quyên (Tổng hợp & lược dịch từ Foxnews, Economywatch & JWS)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàn Quốc bổ sung hơn 100.000 việc làm trong tháng thứ hai liên tiếp

Dữ liệu do Cục Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 11/9 cho thấy, Hàn Quốc đã bổ sung hơn 100.000 việc làm trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 8 năm nay; tuy nhiên, số việc làm trong ngành xây dựng lại ghi nhận mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay trong bối cảnh ngành công nghiệp chậm lại và đợt sóng nhiệt khắc nghiệt xảy ra ở nước này.

Hàn Quốc bổ sung hơn 100 000 việc làm trong tháng thứ hai liên tiếp
Nhiều thách thức trong việc quản lý phát thải y tế ở châu Á

Trên toàn cầu, lĩnh vực y tế chịu trách nhiệm cho khoảng 5% tổng lượng khí thải carbon – cao hơn cả ngành hàng không và vận chuyển. Nếu không được giải quyết, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2050, lượng khí thải carbon từ lĩnh vực này có thể tăng gấp 3 lần, trong đó một phần lớn bắt nguồn từ châu Á.

Nhiều thách thức trong việc quản lý phát thải y tế ở châu Á
Return to top