Thế giới

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm công nghệ hạt nhân trong ứng phó COVID-19

ClockThứ Hai, 22/06/2020 09:39
Đại sứ Lê Dũng, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA nêu rõ các trang thiết bị và hướng dẫn do IAEA cung cấp đã hỗ trợ các cơ quan chuyên môn của Việt Nam trong việc đẩy lùi dịch COVID-19.

Nhà vua Tây Ban Nha ấn tượng về công tác chống dịch của Việt NamCó một Việt Nam mạnh mẽ hơn từ khủng hoảng COVID-19Chặn Covid-19 thành công, Việt Nam là quốc gia chiến lược để đầu tư

Đại sứ Lê Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 15-19/6/2020, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức Cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các vấn đề trọng tâm trong hoạt động của IAEA như chương trình hợp tác kỹ thuật hạt nhân giữa IAEA và các nước thành viên, vấn đề thực thi Hiệp định về thanh sát hạt nhân giữa IAEA và Iran, Syria, Triều Tiên.

Hội đồng Thống đốc cũng trao đổi và quyết định một số vấn đề thủ tục nhằm chuẩn bị cho Đại Hội đồng IAEA khóa 64, dự kiến nhóm họp vào tháng 9/2020. Tại Cuộc họp, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã thay mặt Ban Lãnh đạo IAEA trình bày các báo cáo về hoạt động của IAEA trong năm 2019 để Hội đồng Thống đốc thông qua trước khi trình Đại Hội đồng IAEA khóa 64 xem xét, phê chuẩn.

Tổng Giám đốc cũng báo cáo một số vấn đề quan trọng phát sinh trong Quý II/2020 như kết quả thanh sát chương trình hạt nhân của Iran, việc triển khai các hoạt động, chương trình, dự án của IAEA trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều quốc gia.

Liên quan đến hoạt động của IAEA trong dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Grossi cho biết tính đến ngày 25/5/2020, IAEA đã nhận được yêu cầu của khoảng 120 quốc gia về hỗ trợ công nghệ và thiết bị phục vụ việc phát hiện sớm vi-rút SARS-CoV-2.

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên về thiết lập, tăng cường và phục hồi khả năng ứng phó với các dịch bệnh, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác”, IAEA đã cung cấp bộ sinh phẩm, trang thiết bị và dụng cụ bảo hộ để các quốc gia thực hiện việc chẩn đoán và phát hiện vi-rút SARS-CoV-2 bằng công nghệ kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR) – kỹ thuật phân tích tế bào ứng dụng công nghệ hạt nhân được cho là hiệu quả nhất để xác định nhanh và chính xác vi-rút SARS-CoV-2.

Tổng Giám đốc IAEA cho biết do nhiều nước buộc phải đóng cửa biên giới và hạn chế các hoạt động hàng không quốc tế để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 nên quá trình vận chuyển và tiếp nhận các trang thiết bị nêu trên gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, IAEA đã cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có hợp tác và ký kết thỏa thuận với Chương trình lương thực của Liên Hiệp quốc (WFP) để có thể đưa trang thiết bị tới các quốc gia thông qua kênh vận chuyển của WFP.

Bên cạnh đó, IAEA xác định yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng cộng nghệ hạt nhân nói chung và giải quyết nhu cầu cấp bách của các nước trong dịch COVID-19 nói riêng. IAEA đã dự dịnh tổ chức Khóa đào tạo từ ngày 30/3-09/4/2020 tại Phòng thí nghiệm của Tổ chức này, đặt tại Seibersdorf, Áo với mục tiêu hướng dẫn chuyên gia của các nước sử dụng trang thiết bị và bộ sinh phẩm theo kỹ thuật RT-PCR. Do tác động của dịch COVID-19, Khóa đào tạo này đã không được tổ chức.

Trong bối cảnh đó, IAEA đã phối hợp với Tổ chức Nông Lương của LHQ (FAO) tổ chức các chương trình đào tạo trực tuyến cho các nước thành viên và hoạt động này đã phát huy hiệu quả, giúp nhanh chóng triển khai vận hành các trang thiết bị do IAEA cung cấp ngay sau khi tiếp nhận.

Phát biểu tại Cuộc họp, Đại sứ Lê Dũng, Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA nêu rõ Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 và đã đạt một số thành công ban đầu trong ứng phó với dịch bệnh này. Tính đến ngày 16/6/2020, Việt Nam đã xác nhận 334 ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và đã chữa trị thành công cho nhiều trường hợp, trong đó có một số bệnh nhân biến chứng nặng, chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo Đại sứ, kết quả nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc sớm thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa tốc độ lây lan của dịch bệnh và sự phối hợp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có IAEA. Các trang thiết bị và hướng dẫn do IAEA cung cấp đã giúp các cơ quan chuyên môn của Việt Nam ứng dụng kỹ thuật RT-PCR và phát hiện chính xác vi-rút SARS-CoV-2. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ bày tỏ cám ơn sự hỗ trợ của IAEA cũng như đóng góp về tài chính, kỹ thuật của các nước như Anh, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada, Na Uy để IAEA thực hiện các hoạt động hỗ trợ này.

Nhân dịp này, Đại sứ Lê Dũng hoan nghênh việc IAEA xây dựng Chương trình hành động về ứng phó với các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật. Đại sứ tin tưởng Chương trình này sẽ giúp các quốc gia thành viên phát triển công nghệ hạt nhân vào việc phòng ngừa và giải quyết không chỉ dịch COVID-19 mà còn các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.

Đại sứ tái khẳng định cam kết của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA để thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hòa bình, phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Hội đồng Thống đốc là một trong hai cơ quan về xây dựng chính sách của IAEA. Hội đồng bao gồm 35 nước thành viên có nhiệm kỳ 2 năm và có một số chức năng chính như xem xét và khuyến nghị Đại Hội đồng IAEA về các vấn đề liên quan đến các hoạt động của tổ chức này, xem xét đề nghị gia nhập IAEA của các quốc gia, thông qua và giám sát quá trình thực thi các Hiệp định về thanh sát hạt nhân, ban hành các tiêu chuẩn của IAEA về an toàn hạt nhân.

Hội đồng cũng là cơ quan đề cử ứng viên vào vị trí Tổng Giám đốc IAEA trước khi trình Đại Hội đồng thông qua. Việt Nam đã nhiều lần được bầu vào Hội đồng Thống đốc IAEA và là Chủ tịch Hội đồng từ năm 2013-2014. Cuộc họp từ ngày 15-19/6/2019 là lần đầu tiên Hội đồng Thống đốc IAEA nhóm họp bằng hình thức trực tuyến./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua

NDO - Chiều 10/5, tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua
Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Đó là lời khuyên từ các chuyên gia trước thông tin tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông (TTS). Người dân cần tìm hiểu, lắng nghe cẩn trọng, khuyến cáo tránh tình trạng đổ xô đi làm các xét nghiệm không cần thiết.

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đối xử khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh.

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Return to top