Không gian xanh công cộng giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và mang lại các lợi ích tâm lý. Ảnh minh họa: TTXVN
Trên toàn khu vực, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng đô thị như hệ thống cấp nước, điện, giao thông vận tải và xử lý chất thải. Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị thâm hụt đáng kể về tài chính dành cho cơ sở hạ tầng. Trong năm 2017, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tính toán khoản chênh lệch hàng năm là 459 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020 đối với 25 quốc gia thành viên đang phát triển.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nền kinh tế này đã chi tiêu tổng cộng lên tới 880 tỷ USD mỗi năm cho cơ sở hạ tầng, vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu ước tính ở mức 1,34 nghìn tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030, theo ADB. Đại dịch COVID-19 đã chuyển trọng tâm chi tiêu của các Chính phủ sang hỗ trợ tài chính, nhưng đó không phải là giải pháp bền vững cho nhu cầu ngày càng tăng của người dân đô thị. Đòi hỏi phải có sự suy nghĩ lại một cách nghiêm túc, nếu quá trình đô thị hóa của châu Á muốn chứng tỏ sự bền vững.
Chẳng hạn như, một trong những tác dụng phụ không mong muốn của đại dịch là sự căng thẳng nghiêm trọng đối với hệ thống quản lý chất thải đô thị. Việc sử dụng nhiều hơn các dịch vụ giao hàng thực phẩm do các biện pháp phong toả đã dẫn đến việc gia tăng rác thải nhựa, khi người tiêu dùng quay trở lại với dụng cụ ăn uống và bao bì dùng một lần vì lo ngại về sức khỏe.
Các hộ gia đình ở Singapore đã thải ra thêm khoảng 1.334 tấn rác thải nhựa trong thời gian 2 tháng phong toả do đại dịch, theo một nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore được công bố hồi tháng 6. Trong khi đó, Viện Môi trường Thái Lan cho biết, thủ đô Bangkok cũng đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lượng rác thải nhựa và hiện phát thải thêm gần 3.000 tấn mỗi ngày so với thời điểm trước đại dịch.
Đây là một vấn đề cấp bách trong ngắn hạn, nhưng tốc độ phát triển đô thị hóa theo cấp số nhân trên khắp châu Á đồng nghĩa rằng, các Chính phủ không được đánh mất tầm quan trọng lâu dài của vấn đề này.
Điều may mắn là chính quyền thành phố đang nổi lên như những động lực thúc đẩy sự thay đổi toàn diện, đặc biệt là trong khuôn khổ Chương trình nghị sự của các Thị trưởng thuộc Nhóm Lãnh đạo Khí hậu Các thành phố C40 về phục hồi xanh và chính đáng vừa được đưa ra. Thông qua đó, 96 trong số các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm Singapore, Tokyo, Bắc Kinh, Seoul và Mumbai thực hiện các biện pháp mũi nhọn để tạo việc làm xanh, bảo vệ phương tiện giao thông công cộng, hỗ trợ những người lao động cần thiết và trả lại không gian công cộng cho con người và thiên nhiên.
Theo bài viết trên Nikkei Asia, khi chúng ta nhìn vào một thế giới hậu đại dịch, có 3 bài học có thể rút ra từ hoạt động của C40.
Đầu tiên, các thành phố của châu Á cần xem đại dịch là cơ hội để chuyển đổi từ các chuẩn mực lâu nay. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo thành phố có thể hỗ trợ để thúc đẩy sự chuyển dịch từ các nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, nhằm xác định lại và loại bỏ chất thải và khuyến khích tiếp tục sử dụng các nguồn lực để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường.
Những ví dụ nổi bật bao gồm các nhà máy chuyển chất thải thành năng lượng, giúp giảm đáng kể lượng khí thải từ các nhà máy điện truyền thống và giúp các thành phố giải quyết lượng chất thải ngày càng tăng.
Thứ hai, các thành phố cần cam kết hoàn toàn để khám phá những sáng tạo đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ và đo lường tác động môi trường. Điều này rất quan trọng để đạt được mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về các thành phố và cộng đồng bền vững. Những lĩnh vực trọng tâm cụ thể bao gồm nhà ở an toàn và giá cả phải chăng, giảm tác động môi trường, tiếp cận không gian xanh công cộng an toàn và bao trùm, các hệ thống giao thông vận tải bền vững và giá cả phải chăng.
COVID-19 cũng nhấn mạnh nhu cầu về không gian xanh, những không gian có thể tiếp cận và bình đẳng cho tất cả cư dân của các khu vực đô thị. Đại dịch đã làm gia tăng lo ngại rằng thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang hiện ra. Không gian xanh công cộng, thường bị thiếu hụt và được coi là xa xỉ ở nhiều thành phố đông đúc của châu Á đã được chứng minh là có mối tương quan chặt chẽ đến việc cải thiện sức khỏe tâm thần và các lợi ích tâm lý.
Trong khi các hệ thống giao thông công cộng đô thị được coi là cách để đi đến môi trường xanh, nhu cầu giao thông công cộng giảm hiện tại do lo ngại về sức khỏe liên quan đến đại dịch và làm việc từ xa đã dẫn đến thiếu hụt doanh thu đáng kể. Điều chỉnh cơ sở hạ tầng đường sá hiện có để trở nên thân thiện hơn với xe đạp và tích hợp tốt hơn các không gian cho giao thông xanh trong cảnh quan đô thị sẽ là một kết quả đáng hoan nghênh.
Thứ ba, các thành phố có thể học hỏi từ những thành công và thất bại của nhau để chuyển sang những nền kinh tế bền vững hơn. Thật thú vị, một số quốc gia đã kết hợp biện pháp có ý thức về môi trường vào các biện pháp cơ sở hạ tầng liên quan đến kích thích kinh tế.
Chẳng hạn như, Malaysia đã đặt hy vọng vào năng lượng mặt trời quy mô lớn như một động lực chính trong kế hoạch phục hồi sau đại dịch, đã phân bổ 2,9 tỷ USD cho các tấm pin mặt trời trên mái nhà và đèn LED chiếu sáng đường phố. Trong khi đó, Hàn Quốc đã công bố phiên bản của một thỏa thuận xanh mới, với các dự án trị giá hơn 73 nghìn tỷ won (tương đương 66 tỷ USD) trong gói kích thích kinh tế trị giá 160 nghìn tỷ won.
Khi các khu vực đô thị của châu Á phục hồi từ những biện pháp đóng cửa do đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo thành phố có cơ hội kịp thời để hướng tới một mô hình phát triển và kinh tế đô thị bền vững hơn. Cuối cùng, phát triển đô thị cần được xác định lại để bao gồm các phương pháp tiếp cận lành mạnh hơn nếu các thành phố của châu Á xây dựng lại một cách đúng đắn.
Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)