Đại dịch COVID-19 khiến nhiều cửa hàng tại Mỹ phải đóng cửa. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Sự gia tăng chưa từng có này sẽ khiến tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu tăng 12%, lên khoảng 9,3 nghìn tỷ USD. Trước đó hồi năm ngoái, tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh 8%, do các vụ sáp nhập và mua lại, cũng như các công ty vay để mua lại cổ phần và chi trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, sự gia tăng trong năm nay có một lý do hoàn toàn khác, là duy trì tài chính khi đại dịch tác động xấu đến lợi nhuận.
“COVID-19 đã làm thay đổi mọi thứ. Bây giờ là thời điểm để nói đến việc bảo toàn vốn và xây dựng bảng cân đối kiên cố”, ông Seth Meyer, một nhà quản lý danh mục đầu tư của Tập đoàn Quản lý Tài sản Toàn cầu Janus Henderson, đơn vị biên soạn phân tích về một chỉ số nợ doanh nghiệp mới cho biết.
Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, các doanh nghiệp đã khai thác thị trường trái phiếu với trị giá 384 tỷ USD; ông Seth Meyer cho rằng, những tuần gần đây đã lập kỷ lục mới về phát hành trái phiếu từ các công ty có “lợi suất trái phiếu cao”, với mức xếp hạng tín nhiệm thấp hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất hiện trong chỉ số nợ doanh nghiệp mới đã nợ cao hơn gần 40% so với năm 2014, và tăng trưởng nợ cũng vượt xa mức tăng trưởng lợi nhuận.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Mỹ chiếm gần một nửa tổng số nợ doanh nghiệp của thế giới, ở mức 3,9 nghìn tỷ USD và đã chứng kiến sự gia tăng nhanh nhất trong 5 năm qua so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào; ngoại trừ Thụy Sĩ, nơi đã chứng kiến một làn sóng các thương vụ sáp nhập và mua lại lớn. Đức đứng ở vị trí thứ 2, với 762 tỷ USD; đây cũng là nền kinh tế có 3 trong số các doanh nghiệp có mức nợ lớn nhất thế giới, bao gồm nhà sản xuất ô tô Volkswagen với khoản nợ 192 tỷ USD.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ Straits Times & Reuters)