Thế giới

Nóng lên toàn cầu có thể làm giảm đến 64% GDP của các nước đang phát triển

ClockThứ Ba, 09/11/2021 15:52
TTH.VN - Một nghiên cứu mới cho thấy các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới sẽ phải chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu, khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế này được dự báo sẽ lên tới 64% vào năm 2100.

Thảm họa khí hậu gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong năm 2018Biến đổi khí hậu gây bất lợi cho nền kinh tế toàn cầuGần 90 nước tham gia hiệp ước cắt giảm phát thải khí methane gây biến đổi khí hậu

Sudan là nước phải đối mặt với tổn thất GDP nặng nề nhất do sự nóng lên toàn cầu. Ảnh: AFP/Laodong

Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Christian Aid vừa công bố hôm qua (8/11), với đà tăng nhiệt độ toàn cầu lên đến 2,9 độ C vào cuối thế kỷ này, GDP của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể phải giảm trung bình 19,6% vào năm 2050 và 63,9% vào năm 2100.

Và ngay cả khi sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5 độ C, phù hợp với mục tiêu tham vọng nhất của Hiệp định Paris, thì các quốc gia này cũng sẽ phải chịu tổn thất GDP 13% vào năm 2050 và 33% vào cuối thế kỷ này, nghiên cứu nêu rõ.

Nghiên cứu do nhà kinh tế học Marina Andrijevic của Đại học Humboldt điều phối đã xem xét các biến động của GDP do khí hậu gây ra đối với các quốc gia bị ảnh hưởng không tương xứng, bao gồm Sudan, Bangladesh và các quốc đảo nhỏ, trũng trên toàn cầu (gồm Maldives, Seychelles, Tuvalu và Timor Leste).

Trước đó, một phân tích của LHQ cho rằng với những cam kết về khí hậu của 192 quốc gia tính đến tháng 10 (trước thời điểm diễn ra hội nghị khí hậu COP26), thế giới đang trên đà tăng 2,7 độ C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, với các cam kết cập nhật được đưa ra trước và trong thời gian diễn ra hội nghị COP26, tình hình có thể cải thiện. Theo Climate Resource, thế giới đang có “cơ hội tốt” để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,9 độ C.

Đến nay, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng 1,1 độ C so với mức cuối thế kỷ 19.

Kết quả nghiên cứu từ Christian Aid cho thấy hơn 1/3 các nước trên thế giới cần được hỗ trợ khẩn cấp để xây dựng khả năng phục hồi khi phải chống chọi với sự tấn công dữ dội của các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và mưa bão dữ dội hơn và gây chết người nhiều hơn do sự nóng lên toàn cầu.

Bà Marina Andrijevic cảnh báo rằng “khả năng phát triển bền vững của các quốc gia ở Nam bán cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng… Do đó, các lựa chọn chính sách mà chúng ta đưa ra ngay thời điểm này là rất quan trọng để ngăn ngừa thiệt hại thêm nữa”.

Theo nghiên cứu, 8 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở châu Phi, và 2 quốc gia ở Nam Mỹ, trong đó Sudan là nước phải đối mặt với tổn thất GDP nặng nề nhất. Hồi tháng 9, nước này đã phải hứng chịu những trận mưa lớn và lũ quét, ảnh hưởng đến hơn 300.000 người. Với các chính sách khí hậu hiện tại, Sudan phải đối mặt với mức giảm GDP tới 32,4% vào năm 2050 và 83,9% vào năm 2100 so với khi không có biến đổi khí hậu. Và ngay cả trong kịch bản nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5 độ C, GDP của Sudan cũng có thể giảm 22,4% vào năm 2050 và 51,4% vào năm 2100", nhóm nghiên cứu Christian Aid cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, các ước tính về tổn thất và thiệt hại kinh tế do sự nóng lên toàn cầu chỉ riêng ở các nước đang phát triển đã được dự báo là từ 290 tỷ USD đến 580 tỷ USD vào năm 2030.

Hồi tháng 8, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ cho biết biến đổi khí hậu đang diễn ra trên diện rộng, nhanh chóng và ngày càng gia tăng các tác động, chẳng hạn như mực nước biển dâng, hiện không thể đảo ngược trong hàng trăm đến hàng nghìn năm.

Và nếu không có hành động nào được thực hiện để giảm bớt sự nóng lên toàn cầu, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, khi chỉ riêng các đợt nắng nóng đã gây ra những tác động nghiêm trọng lên các nền kinh tế.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN & Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Châu Á - Thái Bình Dương:
ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày hôm nay (25/11) công bố Kế hoạch Hành động Môi trường giai đoạn 2024 - 2030, vạch ra lộ trình giải quyết những tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh gồm: mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ADB vạch ra lộ trình giải quyết tác động của 3 cuộc khủng hoảng hành tinh
Return to top