Hình ảnh núi Raikoke phun trào được chụp từ không gian. Ảnh: CNN
Một nhóm nghiên cứu tại trường đại học này nhận thấy rằng bình minh và hoàng hôn đã có nhiều màu tím hơn trong mùa hè vừa qua. Họ đã thả một kinh khí cầu tầm cao để thu thập các mẫu hạt phân tử trong tầng bình lưu của Trái đất.
“Các hạt phân tử này, hoặc sol khí, tán xạ ánh sáng mặt trời khi nó chiếu qua không khí, kết hợp với sự hấp thụ ánh sáng của tầng ozone, mang lại màu tím cho bình minh và hoàng hôn trên Trái đất”, thông báo của trường cho biết.
Vào ngày 22 tháng 6, ngọn núi lửa của Nga có tên Raikoke đã hoạt động, phun tro và khí từ miệng núi lửa rộng 700 mét lên bầu khí quyển. Vụ phun trào lớn đến mức các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế có thể nhìn thấy, NASA cho biết trong một tuyên bố.
Trong một buổi hoàng hôn bình thường, khi không có núi lửa hoạt động, ánh sáng từ Mặt trời phải xuyên qua một lớp khí quyển dày của Trái đất và ánh sáng xanh làm tán xạ các sol khí mà nó gặp phải. Điều này có nghĩa là mắt của chúng ta ít được thấy ánh sáng xanh phát ra từ các hướng gần mặt trời hơn, khiến bầu trời xuất hiện màu cam và đỏ.
Khi các sol khí núi lửa có mặt trong tầng bình lưu, ánh sáng xanh phân tán từ các sol khí gần bề mặt Trái đất có thể tán xạ trở lại, lần này là về phía mắt và máy ảnh của chúng ta. Ánh sáng xanh này kết hợp với ánh sáng đỏ phát ra từ mặt trời, tạo một màu tím trên bầu trời.
Lars Kalnajs, một trợ lý nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Vật lý Khí quyển và Không gian tại trường, đã lãnh đạo dự án và cho biết vụ phun trào này không có gì đáng lo ngại, nhưng cảnh báo rằng chúng ta cần chuẩn bị cho một vụ lớn hơn.
“Một vụ phun trào thực sự lớn sẽ có tác động lớn đến nhân loại”, Kalnajs nói trong một bản tin mới đây. Ông trích dẫn một vụ phun trào trên núi Tambora vào năm 1815 dẫn đến hiện tượng “một năm không có mùa hè” do tro bụi núi lửa tồn tại trong bầu khí quyển một thời gian dài.
Anh Tuấn (Lược dịch từ CNN)