Người dân Indonesia bị ảnh hưởng bởi sóng thần tại một nơi trú ẩn tạm thời ở Carita, tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: AFP
Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng sức khỏe công cộng xảy ra khi số người thiệt mạng vì thảm họa sóng thần do núi lửa gây ra ngày 22/12 đã tăng lên gần 400 người, trong khi hàng ngàn người khác phải di dời khỏi những ngôi nhà bị san phẳng.
Ông Rizal Alimin, một bác sĩ làm việc cho tổ chức phi Chính phủ Aksi Cepat Tanggap, tại một trường học địa phương đang trở thành nơi trú ẩn tạm thời cho biết: "Rất nhiều trẻ em bị ốm với các triệu chứng như sốt, đau đầu và chúng không có đủ nước. Chúng tôi có ít thuốc hơn bình thường. Không có đủ nước sạch. Họ cần thức ăn và mọi người đang phải ngủ trên sàn nhà".
Trận sóng thần mạnh xảy ra vào ban đêm và không có cảnh báo, quét qua các bãi biển nổi tiếng ở phía nam đảo Sumatra và phía tây đảo Java, làm ngập các khách sạn du lịch và những khu định cư ven biển.
Con số tử vong mới nhất được cập nhật ở mức 373 người, với 1.459 người bị thương và 128 người khác mất tích.
Các chuyên gia cảnh báo, nhiều đợt sóng nguy hiểm hơn có thể tấn công khu vực bị ảnh hưởng.
Nhiều người trong số hơn 5.000 người di tản quá sợ hãi để trở về nhà, bởi họ sợ phải hứng chịu thêm một thảm họa khác.
"Tôi đã ở đây 3 ngày rồi. Tôi lo sợ vì nhà tôi ở ngay gần bãi biển", bà Neng Sumarni, 40 tuổi, người đang ngủ với 3 đứa con và chồng trên sàn nhà ở trung tâm trú ẩn, cùng khoảng 30 người khác nói.
"Không thể tiếp cận"
Trong khi đó, ông Abu Salim, cùng nhóm tình nguyện Tagana cho hay, các nhân viên cứu trợ đang vật lộn để ổn định tình hình.
"Hôm nay, chúng tôi đang tập trung vào việc hỗ trợ những người di tản trong những nơi tạm trú, bằng cách xây dựng nhà bếp công cộng, phân phối và dựng thêm nhiều lều ở những khu vực thích hợp. Mọi người vẫn chưa được tiếp cận nước máy... Có rất nhiều người di tản đã chạy lên vùng đất cao hơn và chúng tôi vẫn không thể tiếp cận họ", ông Abu Salim nói với hãng thông tấn AFP ngày 25/12.
Hàng viện trợ được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, trong khi 2 chiếc thuyền của Chính phủ đang trên đường đến một số hòn đảo gần bờ biển Sumatra, nhằm giúp đỡ hàng chục cư dân bị cô lập.
Theo nguồn tin từ các quan chức, những bằng chứng cho thấy một vụ phun trào xảy ra trên núi lửa Anak Krakatoa ở eo biển Sunda, giữa đảo Java và đảo Sumatra đã khiến một phần của miệng núi lửa sụp đổ và trượt xuống đại dương, gây ra trận sóng thần kinh hoàng.
Không giống như những trận sóng thần do động đất gây ra, thường kích hoạt các hệ thống cảnh báo; những trận sóng thần do núi lửa khiến chính quyền có rất ít thời gian để cảnh báo cư dân về mối đe dọa sắp xảy đến.
Ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia nhận định: "Việc thiếu hệ thống cảnh báo sớm sóng thần đã dẫn tới số lượng lớn nạn nhân, vì mọi người không có thời gian để di tản".
Trong khi đó, các đội cứu hộ đang nỗ lực sử dụng tay trần, máy đào và những thiết bị hạng nặng khác để di chuyển những đống đổ nát từ khu vực bị ảnh hưởng và tìm kiếm các thi thể, khi hy vọng tìm thấy nhiều người sống sót hơn đang yếu đi.
Sóng thần là thảm họa tự nhiên lớn thứ 3 của Indonesia trong 6 tháng, sau một loạt các trận động đất mạnh xảy ra trên đảo Lombok hồi tháng 7 và tháng 8; và thảm hoạ động đất, sóng thần hồi tháng 9 đã cướp đi mạng sống của khoảng 2.200 người ở Palu trên đảo Sulawesi, với hàng ngàn người mất tích và được cho là đã tử vong.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Reuters)