"Tính đến nay, 114 người ở Karachi và 8 người khác ở 3 huyện thuộc tỉnh Sindh thiệt mạng," trợ lý y tế của tỉnh, ông Saeed Mangnejo nói với hãng tin AFP. Ông cho biết, chính quyền tỉnh đã áp đặt tình trạng khẩn cấp ở tất cả các bệnh viện, giữ bác sĩ và các nhân viên y tế khác ở lại bệnh viện và tăng cường các vật tư y tế.
Tình nguyện viên của Edhi (áo đỏ) và người thân chuyển xác một nạn nhân tử vong do nắng nóng đến nhà xác Edhi ở Karachi hôm 21/6 - Ảnh: AFP
Thành phố cảng miền nam Karachi chứng kiến nhiệt độ cao đến 45 độ C (111 độ F) vào hôm 20/6, gần đến mức cao kỷ lục 47 độ C cũng diễn ra ở thành phố này hồi tháng 6/1979.
Tiến sĩ Seemin Jamali, người đứng đầu bộ phận cấp cứu tại Bệnh viện nhà nước Jinnah cho hay, hơn 100 người chết tại bệnh viện. "Tất cả họ đều chết do say nắng", cô nói.
Theo Cục khí tượng Pakistan, nhiệt độ có khả năng sẽ giảm bớt trong những ngày tới, nhưng các bác sĩ vẫn khuyên người dân tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và mặc quần áo cotton nhẹ. Nhiệt độ cao khiến tình hình càng tồi tệ hơn do mất điện thường xuyên, gây ra các cuộc biểu tình tại một số vùng thuộc Karachi, một thành phố rộng lớn với 20 triệu dân. Cắt điện lần lượt làm tê liệt hệ thống cấp nước của Karachi, cản trở việc bơm hàng triệu gallon nước cho người tiêu dùng, công ty điện nước nhà nước cho biết.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã cảnh báo các công ty cung cấp điện rằng sẽ không tha thứ cho việc cúp điện trong tháng Ramadan, một quan chức trong văn phòng Thủ tướng Sharif nói.
Trong khi đó, Đại học Karachi tuyên bố hoãn kỳ thi ở trường trong ít nhất một tháng do thời tiết khắc nghiệt.
Tổ chức Edhi Welfare, tổ chức từ thiện lớn nhất của Pakistan, cho biết nhà xác của họ đã hoạt động hết công suất khi có hơn 150 thi thể do nắng nóng và các thương vong khác được chuyển đến đây. "Chúng tôi đã phải mai táng khoảng 30 thi thể không có người nhận để có chỗ cho nhà xác," một nhân viên của Edhi nói với AFP.
Tố Quyên (lược dịch từ AFP & Dailystar)