Thế giới

Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Đông Nam Á

ClockThứ Sáu, 15/11/2019 10:18
TTH - Các sản phẩm hữu cơ ngày nay rất có tiềm năng phát triển do nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng trên khắp thế giới về thực phẩm an toàn không có hóa chất nông nghiệp, như phân bón và hóa chất.

Tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp

Nhu cầu về các sản phẩm hữu cơ chủ yếu đến từ các quốc gia ở Tây Âu, Bắc Mỹ, ở Đông Á. Không đứng ngoài xu thế này, Đông Nam Á đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm hữu cơ, ASEAN Post cho biết. Người nông dân trong khu vực cũng đã nhận ra những lợi ích bền vững của canh tác hữu cơ, trong đó nổi bật nhất là giúp tăng thu nhập, đồng thời mang lại nguồn thực phẩm an toàn và lành mạnh hơn cho cộng đồng.

Nông sản hữu cơ thường có giá cao hơn nông sản thông thường. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Lợi ích của canh tác hữu cơ

Canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh hướng tới sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học. Phương pháp canh tác luân canh và áp dụng lớp phủ cho các cánh đồng trống có thể giúp ổn định chất lượng đất và cải thiện khả năng giữ nước.

Theo Liên đoàn các Phong trào Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ không chỉ là một cách để xử lý đất và thực vật một cách tự nhiên mà đó là một mô hình tổng thể để duy trì sự sống trên trái đất. Nông nghiệp hữu cơ có khả năng đóng góp cho an ninh lương thực bền vững bằng cách cải thiện lượng dinh dưỡng và duy trì sinh kế ở khu vực nông thôn, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với biến đổi khí hậu.

Dựa trên dữ liệu của Viện nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ (FiBL), trong năm 2017, châu Á có gần 6,1 triệu ha diện tích đất nông nghiệp hữu cơ, tương đương 0,4% tổng diện tích nông nghiệp trong khu vực. Tại Đông Nam Á, Philippines có diện tích dừa hữu cơ lớn nhất, với gần 150.000 ha, chiếm 70% tổng diện tích dừa hữu cơ của khu vực, trong khi hầu hết cà phê hữu cơ được trồng ở Indonesia, với hơn 46.000 ha.

FiBL dự báo rằng, diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sang canh tác hữu cơ sẽ được mở rộng và doanh thu được tạo ra từ các sản phẩm hữu cơ sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia. Thực tế, thị trường nông nghiệp hữu cơ đã mang về khoảng hơn 100 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong năm 2017.

Hướng phát triển ở ASEAN

Bên cạnh việc tăng cường sức khỏe cho con người và bảo vệ môi trường, nông nghiệp hữu cơ cũng có thể giúp tăng thu nhập cho người nông dân do sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn so với các sản phẩm nông nghiệp thông thường. Thị phần ngày càng tăng của các sản phẩm hữu cơ trên thế giới được xem là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi từ hệ thống canh tác thông thường sang hệ thống hữu cơ, thông tin từ Research Gate cho hay.

Theo dữ liệu của IFOAM, Philippines hiện đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia có số lượng nhà sản xuất hữu cơ lớn nhất khu vực (165.958 cơ sở). Sở dĩ nông dân Philippines áp dụng canh tác hữu cơ đạt mức cao một phần là nhờ định hướng của chính phủ, khi nước này đã thông qua một đạo luật về phát triển nông nghiệp hữu cơ năm 2010. Đạo luật này nhằm thúc đẩy, phát triển hơn nữa nông nghiệp hữu cơ ở Philippines, trải đường cho người dân biết nhiều hơn về lợi ích của các sản phẩm nông nghiệp không có hóa chất.

Tại Thái Lan, Viện Cộng đồng Nông nghiệp Bền vững (ISAC) đã được thành lập để đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ và khuyến khích nông nghiệp bền vững. Mục tiêu của Thái Lan thông qua “Kế hoạch quốc gia về canh tác hữu cơ” là đạt được 208.000 ha đất canh tác hữu cơ vào năm 2021 và có ít nhất 40% sản phẩm từ các trang trại này được tiêu thụ trong nước.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có gần 23.400 ha đất canh tác hữu cơ ở 40 tỉnh thành cả nước, với các sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè… Tháng 9/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ, theo tin từ Báo Chính phủ.

Được biết, mô hình nông nghiệp hữu cơ hiện nay đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó một số mặt hàng đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo phân tích của Báo Hà Nội Mới, để có một nền nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh ở Việt Nam, cần phải giải quyết được những vấn đề như: chi phí đầu tư lớn, chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, sản phẩm hữu cơ chưa được đánh giá đúng với giá trị thực của nó...

The ASEAN Post dẫn lời nhà đồng sáng lập chợ nông sản hữu cơ Johor Green tại Malaysia nhấn mạnh rằng, nông nghiệp hữu cơ đã được chứng minh là một cách bền vững để mang lại sự cân bằng cho mọi vật thể sống - đó là một phong trào có thể trao quyền cho cả người nông dân và người tiêu dùng. Do đó, khi nhu cầu thực phẩm hữu cơ ở Đông Nam Á tiếp tục gia tăng, có mối băn khoăn rằng, nguồn cung sản phẩm hữu cơ trong khu vực liệu có thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng hay không.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The Asean Post & Research Gate)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Return to top