Thế giới

Quan ngại về khoảng cách giàu - nghèo gia tăng

ClockThứ Bảy, 27/02/2021 12:37
TTH - Các tác giả từ một nghiên cứu toàn cầu mới do Cơ quan nghiên cứu thị trường Glocalities thực hiện cho hay, mọi người, nhất là những người trẻ tuổi đang trở nên lo ngại hơn về khoảng cách giàu - nghèo trong đại dịch COVID-19; qua đó, kêu gọi các Chính phủ thực hiện những bước đi cần thiết để khôi phục sự cân bằng.

IMF: Các nước thu nhập thấp đang đối mặt với “một thế hệ nhiều mất mát”

Người dân tại thành phố New York (Mỹ) xếp hàng chờ nhận nhu yếu phẩm cứu trợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không ngừng lây lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hơn 8.700 người đến từ 24 quốc gia trên thế giới đã được khảo sát trong khoảng thời gian vào đầu và cuối năm 2020, với kết quả được công bố ngày 23/2 chỉ ra sự gia tăng về tỷ lệ người được hỏi cho rằng, chênh lệch thu nhập cần được thu hẹp. Các quốc gia trong cuộc khảo sát bao gồm: Australia, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nam Phi, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Mỹ, và Việt Nam.

Cần chính sách phù hợp

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong năm ngoái, cuộc khảo sát cũng chứng kiến mức tăng 10 điểm về tỷ lệ người được hỏi khẳng định, công việc phù hợp và tăng trưởng kinh tế là những phương tiện quan trọng nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức từ thiện Thomson Reuters Foundation, Giáo sư Ronald Inglehart, một trong những tác giả dẫn đầu của nghiên cứu lưu ý, đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người nhận ra mọi thứ “đang không ổn”; và cần sự can thiệp của Chính phủ trên một quy mô lớn hơn. Một số nguồn lực cần được phân bổ lại để cân bằng xu hướng mạnh mẽ này.

Cũng theo ông Ronald Inglehart, các chính sách giúp tạo ra công ăn việc làm được trả lương tốt trong những lĩnh vực như chăm sóc trẻ em, bảo vệ môi trường, và cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ giải quyết sự thất vọng ngày càng gia tăng về bất bình đẳng thu nhập.

Mối lo của người trẻ

Đáng chú ý, nghiên cứu của Glocalities chỉ ra rằng, những người trẻ tuổi đặc biệt quan ngại về vấn đề chênh lệch thu nhập. 1/3 số người được hỏi trong độ tuổi từ 18 - 34 khẳng định, họ đang lo lắng về bất bình đẳng thu nhập hơn là tình trạng thất nghiệp hoặc tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2020, tăng từ mức 29% vào đầu năm 2020, trước khi dịch bệnh COVID-19 lây lan trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, ông Martijn Lampert, đồng tác giả của nghiên cứu nói trên cho biết: “Cảm giác buồn bã, sợ hãi, thất vọng, và cảm giác như “bản thân không còn triển vọng tương lai nữa” đang trên xu hướng gia tăng. Vì vậy, điều này đòi hỏi sự can thiệp rất khôn khéo và đúng đắn của Chính phủ, nhằm giải quyết tình trạng bất ổn này theo hướng tích cực”.

Giáo sư Ronald Inglehart nói thêm, ông đã chứng kiến bằng chứng về những cảm nghĩ như vậy trong số các sinh viên mà ông dạy tại Đại học Michigan, Mỹ. “Thị trường việc làm ảm đạm... Những sinh viên xuất sắc nhất của tôi, những ngôi sao, họ đang tìm kiếm công việc ở mức thấp hơn so với những gì họ đang mong đợi. Còn những sinh viên không phải là ngôi sao thì chẳng nhận được gì”, giáo sư này chia sẻ.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins ngày 22/2, hơn 500.000 người đã tử vong do dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ, một con số cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Đáng chú ý, Mỹ ghi nhận 20% tổng số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo trên thế giới, mặc dù quốc gia này chỉ chiếm 4,25% dân số toàn cầu.

Theo ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu đã thu hẹp 3,5% vào năm 2020, và một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế như thế nào.

Ngoài ra, một báo cáo do Tổ chức từ thiện Oxfam công bố hồi tháng trước cho biết, do hậu quả của đại dịch COVID-19, số người sống trong cảnh nghèo đói đã tăng gấp đôi lên mức hơn 500 triệu người. Trong khi đó, tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng 3,9 nghìn tỷ USD từ tháng 3-12 năm 2020, lên mức 11,95 nghìn tỷ USD.

COVID-19 đã gây ra một cơn bão kinh tế tấn công nặng nề nhất đến những người nghèo và dễ bị tổn thương, với phụ nữ và những người lao động yếu thế phải đối mặt với tình trạng mất việc làm tồi tệ nhất, và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo hơn 100 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực. Cũng theo tổ chức Oxfam, có thể mất hơn một thập kỷ để đưa số lượng người sống trong cảnh nghèo đói trở lại mức trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Trong một động thái liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, khoảng cách về vắc-xin ngừa COVID-19 giữa các quốc gia giàu và nghèo đang trở nên tồi tệ hơn; đồng thời khẳng định, sự thất bại trong việc phân phối các mũi tiêm một cách công bằng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters & Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi

Chiều 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 ca sốt phát ban nghi sởi tập trung ở 5/9 huyện, thị và thành phố. Trong đó, Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông mỗi huyện đều có 4 ca bệnh. Riêng 1 bệnh nhi ở Quảng Điền có kết quả dương tính với bệnh sởi.

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi
Tập trung vào khoảng cách đào tạo và tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết đăng tải trên trang web của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Theo đó, bà Sabah Abdulla và ông Vinod Thomas, các chuyên gia phát triển của ADB, đồng thời là tác giả của bài viết cho rằng, tăng cường đầu tư vào khả năng phục hồi khí hậu đóng vai trò rất quan trọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương như châu Á và Thái Bình Dương.

Tập trung vào khoảng cách đào tạo và tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu
Return to top