Thế giới

Sau khủng bố Paris, Nga - Pháp - Mỹ - Anh tăng dội bom IS

ClockThứ Năm, 19/11/2015 10:21
TTH.VN - Người dân Paris lại thêm một lần lên ruột khi hay tin cuộc đấu súng kéo dài vài giờ giữa lực lượng cảnh sát Pháp với những kẻ nghi tham gia khủng bố.

Các quân nhân Pháp lập vành đai bảo vệ khu vực đang diễn ra cuộc bố ráp những nghi can - Ảnh: Reuters

Theo New York Times, một phụ nữ đã chết do tự kích nổ áo bom trên người, năm nghi can khác bị bắt trong cuộc vây ráp tiến hành lúc rạng sáng 18-11.

Đối tượng chính bị săn lùng trong đợt đột kích này là tên Abdelhamid Abaooud, 27 tuổi, quốc tịch Bỉ. Hắn được cho là kẻ chủ mưu các cuộc tấn công Paris ngày 13-11 làm 129 người thiệt mạng.

Tấn công lúc rạng sáng

Thông báo của Văn phòng công tố Paris cho biết vụ bố ráp bắt đầu lúc 4g20 (tức 10g20, giờ VN) nhằm bắt giữ sáu nghi can, trong đó có Abdelhamid Abaooud.

Địa điểm là một căn hộ nằm ở Saint-Denis, cách sân vận động Stade de France, nơi từng xảy ra khủng bố, gần 2km.

Cảnh sát phong tỏa toàn bộ khu vực từ sớm tinh mơ, dọn quang đường phố và cảnh báo người dân nên ở trong nhà khi nghe thấy tiếng súng nổ.

Khi cảnh sát đặc nhiệm ập vào, có ba gã đàn ông đang ở trong căn hộ. Một người đàn ông và một phụ nữ khác bị bắt ở gần căn hộ. Chưa rõ tên Abdelhamid Abaooud có mặt trong căn hộ vào thời điểm cảnh sát vây bắt không. Năm cảnh sát đã bị thương nhẹ trong vụ đột kích.

Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve và Tổng thống François Hollande cùng có mặt tại điện Élysée lúc rạng sáng để theo dõi vụ vây bắt.

Theo BBC, Saint-Denis là khu ngoại ô đa văn hóa, đa tôn giáo và đa sắc tộc. Phần lớn cư dân tại đây là người cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ tùy thân nên không dễ kiếm được việc làm.

Theo AFP, trong khi đó các nhà điều tra Pháp đang tập trung giải mã cuộc tấn công tối 13-11, chú tâm vào những vấn đề chủ chốt như các tay súng đã liên lạc với nhau như thế nào, chúng đã đi tới đâu và đã lên kế hoạch các vụ tấn công ra sao.

Bên điều tra chưa lý giải được vì sao một trong các tay súng, tên Samy Amimour, quốc tịch Pháp, lại có thể từ Syria trở về được châu Âu mà không hề bị phát hiện, trong khi tên này đang bị phát lệnh truy nã toàn cầu.

Cũng là một vô lý khác khi cảnh sát Bỉ không thông báo cho những đồng nghiệp Pháp về việc hai anh em nhà Abdeslam, những kẻ từng sống tại Brussels, từng nằm trong danh sách những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Theo BBC, hiện có ít nhất 115.000 cảnh sát và quân nhân được huy động để đảm bảo an ninh trên toàn nước Pháp.

Hợp tác chống IS là tất yếu

Trong diễn biến mới nhất trên mặt trận chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Hollande đã thống nhất với nhau qua điện đàm về việc “đảm bảo việc liên lạc và điều phối chặt chẽ hơn trong các hoạt động tấn công tại Syria”.

Theo thông báo từ điện Kremlin, ông Putin còn yêu cầu lực lượng hải quân Nga phải phối hợp tác chiến với các lực lượng hải quân của Pháp trên Địa Trung Hải “như những đồng minh”.

Theo AFP, ngày thứ ba 17-11, lần đầu tiên Matxcơva điều đi các máy bay ném bom tầm xa uy lực nhất của nước này tới không kích các mục tiêu IS tại những tỉnh bao quanh hai thành phố được cho là khu vực đầu não của chúng là Raqqa và Deir Ezzor. Nga cũng cho bắn các tên lửa hành trình tới các khu vực Idlib và Aleppo.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong đợt không kích mới nhất của Nga, 206 mục tiêu khủng bố đã bị phá hủy.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm ông Putin nêu ra trước đó: “Hoạt động không kích của quân đội chúng ta tại Syria không đơn giản là tiếp tục, nó phải được tăng cường theo cách để những kẻ gây ra tội ác hiểu rằng việc chúng bị trả thù là điều không thể 
tránh khỏi”.

Phía Lầu Năm Góc cho biết trước đợt không kích này, Nga đã gửi thông báo tới Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai chiến dịch không kích IS ngày 30-9 tại Syria, Matxcơva đã gửi thông báo trước cho Mỹ.

Tuần tới Tổng thống Pháp Hollande sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin để bàn về chiến dịch chống khủng bố cũng như giải pháp chung nhằm chấm dứt chiến tranh tại Syria.

Trong diễn biến liên quan, tờ Guardian dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước Anh cũng sẽ phải mở rộng quy mô không kích chống IS tại Syria.

Theo ông Cameron, các vụ tấn công vừa xảy ra với nước Pháp cho thấy một nhu cầu tất yếu của việc cần phải liên minh sức mạnh chống khủng bố. Thủ tướng Anh nói sẽ phác thảo kế hoạch hành động toàn diện của Anh tại Syria trong tuần tới để trình lên xin ý kiến quốc hội.

Vua Ả Rập góp 110 triệu USD thành lập trung tâm chống khủng bố quốc tế

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, nhà vua Salman của Saudi Arabia đề xuất việc thành lập tổ chức chống khủng bố quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và tuyên bố đã đóng góp 110 triệu USD cho tổ chức này.

Vua Salman kêu gọi các nước khác chung tay đóng góp xây dựng một trung tâm thông tin tình báo quốc tế và nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố.

Theo Tuổi Trẻ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Internet thế giới 2024 (WIC) diễn ra tại thị trấn cổ Ô Trấn (Wuzhen, Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết các vấn đề như khoảng cách số và tình hình an ninh mạng nghiêm trọng, đồng thời xây dựng một tương lai số tốt đẹp hơn.

Cần nỗ lực chung toàn cầu để xây dựng tương lai số
Thái Lan sẽ tăng mục tiêu giảm phát thải

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Chalermchai Sri-on chia sẻ, nước này đặt mục tiêu sẽ giảm nhiều hơn lượng khí thải độc hại, khi những nỗ lực của Thái Lan vẫn chưa đạt được mục tiêu giúp kiểm soát nhiệt độ ngày càng tăng của hành tinh.

Thái Lan sẽ tăng mục tiêu giảm phát thải
Return to top