Thế giới

Sau nhiều quý sụt giảm, thương mại toàn cầu chứng kiến những dấu hiệu đáng khích lệ

ClockThứ Năm, 04/04/2024 05:59
TTH - Theo báo cáo “Cập nhật Thương mại toàn cầu” mới nhất từ Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), sau khi đối mặt với sự sụt giảm trong nhiều quý, thương mại quốc tế đã sẵn sàng phục hồi vào năm 2024.
 UNCTAD đánh giá triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 nhìn chung là tích cực. Ảnh minh họa: Tuoitre

UNCTAD đánh giá triển vọng thương mại năm 2024 nhìn chung là tích cực, với nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa vì môi trường, đặc biệt là ô tô điện, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Trong năm 2023, thương mại toàn cầu chứng kiến mức giảm 3%, tương đương khoảng 1.000 tỷ USD, so với mức cao kỷ lục 32.000 tỷ USD vào năm 2022. Bất chấp sự suy giảm này, lĩnh vực dịch vụ vẫn cho thấy khả năng phục hồi với mức tăng 500 tỷ USD, tương đương tăng 8% so với năm 2022, trong khi thương mại hàng hóa năm 2023 giảm 1.300 tỷ USD, tức giảm 5% so với năm trước đó.

Quý IV/2023 đánh dấu sự khởi đầu mới so với các quý trước, khi cả thương mại hàng hóa và dịch vụ đều ổn định. Các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Phi, Đông Á và Nam Á, có sự tăng trưởng về thương mại trong giai đoạn này.

Bên cạnh một số trường hợp ngoại lệ, các nền kinh tế lớn nhìn chung đều chứng kiến sự sụt giảm trong thương mại hàng hóa trong suốt năm 2023. Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, thương mại hàng hóa đã chứng kiến sự tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc (+5% nhập khẩu) và Ấn Độ (+5% xuất khẩu), mặc dù tốc độ này lại giảm ở Liên bang Nga và EU.

Ở cấp độ ngành, hầu hết các ngành đều giảm giá trị thương mại, ngoại trừ dược phẩm, thiết bị vận tải và ô tô đạt mức tăng 14% - chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu xe điện.

Ngược lại, các lĩnh vực như may mặc, hóa chất và dệt may chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết các lĩnh vực đều phục hồi trở lại trong quý IV/2023 (ngoại trừ may mặc).

Trong số các dịch vụ, du lịch và các dịch vụ liên quan đến lữ hành có sự phục hồi mạnh nhất, tăng gần 40% trong năm 2023.

Triển vọng năm 2024

Dữ liệu hiện có trong quý I/2024 cho thấy thương mại toàn cầu tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là khi việc kiểm soát lạm phát toàn cầu sẽ được cân nhắc và dự báo tăng trưởng kinh tế được nâng cao. Ngoài ra, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại hàng hóa vì môi trường, đặc biệt là xe điện, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại trong năm nay.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tồn tại như những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến xu hướng thương mại song phương và cần được liên tục xem xét kỹ lưỡng. Sự gián đoạn trong các tuyến đường vận chuyển, đặc biệt là các tuyến liên quan đến vấn đề an ninh ở Biển Đỏ và kênh đào Suez, cũng như những tác động bất lợi của khí hậu đến mực nước ở kênh đào Panama, có khả năng làm tăng chi phí vận chuyển, kéo dài thời gian hành trình và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Economictimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cải tổ tài chính toàn cầu

Một số quốc gia nghèo nhất thế giới chi nhiều tiền hơn cho việc trả nợ so với tổng mức chi cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, gây ra sự cản trở nghiêm trọng đến cơ hội phát triển nền kinh tế của họ. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) đang kêu gọi cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế, nhằm làm giảm bất bình đẳng và cải thiện cuộc sống của người dân.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cải tổ tài chính toàn cầu
Lượng khí thải metan toàn cầu đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục

“Ngân sách Metan toàn cầu 2024” - một phân tích toàn diện về xu hướng metan và tác động của chúng, được thực hiện bởi liên minh Dự án Carbon toàn cầu, cho thấy lượng khí thải metan trên thế giới đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chủ yếu do hoạt động của con người và điều này đang đe dọa các mục tiêu về khí hậu.

Lượng khí thải metan toàn cầu đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục
Họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Ngày 08/9, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức phiên họp. Tham dự có các thành viên của Hội đồng; ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO chủ trì.

Họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Return to top