Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, hợp tác Mekong-Lan Thương cần hướng đến việc nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Ảnh: Bộ Ngoại giao/Báo Chính phủ
Khi bộ trưởng ngoại giao các nước bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đạt được thỏa thuận tại phiên họp lần thứ 5 diễn ra ở Vientiane (Lào), Ủy viên Quốc vụ, đồng thời cũng là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ra tuyên bố mới này tại buổi họp báo ngay sau hội nghị.
Tại đây, các thành viên tham gia hoan nghênh khuyến nghị của Trung tâm toàn cầu Nghiên cứu về Mekong rằng các nước MLC nên cùng nhau tạo ra Vành đại Phát triển Kinh tế Mekong – Lan Thương.
Cụ thể, các bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường kết nối khu vực bằng cách cùng nhau thúc đẩy Vành đai Phát triển Kinh tế Mekong – Lan Thương, cũng như khám phá khả năng điều phối Kế hoạch hành động của MLC về kết nối với cơ sở hạ tầng giao thông toàn cầu, kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC)... Điều này sẽ cho phép phát triển kinh tế chất lượng, thúc đẩy công nghiệp cũng như tăng cường phát triển chuỗi cung ứng hiệu quả trong khu vực Mekong.
“Chúng ta cần phải đẩy mạnh nỗ lực của mình nhằm xây dựng Vành đai Phát triển kinh tế MLC. Khuyến nghị của chúng tôi là bắt đầu với kết nối thương mại và quan tâm đến kết nối MLC với kênh giao thông đường bộ - đường biển quốc tế mới, đồng thời thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại và hải quan”, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết.
Bên cạnh đó, các vị lãnh đạo cũng nhất trí về việc tăng cường các cơ chế hợp tác trong nông nghiệp, đặc biệt là liên quan đến việc công nhận và chứng nhận các tiêu chuẩn cho các sản phẩm nông nghiệp để các loại sản phẩm nông nghiệp này có thể dễ dàng tiếp cận qua lại sâu hơn vào thị trường của các nước trong khu vực.
Đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng khẳng định nước này nhiệt liệt hoan nghênh nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mekong thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Trong vấn đề hạn hán nghiêm trọng mà Mekong đang phải đối mặt do lượng mưa không đủ, các nước cũng cần phải phối hợp giải quyết. Được biết, Trung Quốc đã gia tăng dòng chảy từ sông Lan Thương (hay còn được các nước thuộc hạ lưu gọi là sông Mekong) để giúp giảm thiểu hạn hán.
Trong một thông tin có liên quan, được thành lập vào năm 2016, Cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm kết nối, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, năng lực sản xuất, tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Đan Lê (Lược dịch từ Eleven Myanmar)