Sân bay Quốc tế Đại Hưng dự kiến sẽ trở thành một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Luxury Insider/Vietnam+
Với hình dạng được lấy ý tưởng từ chim phượng hoàng, sân bay Đại Hưng được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người gốc Iraq Zaha Hadid, và chính thức khai trương vào cuối tháng 9/2019, trước lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Cộng hòa Trung Quốc (1/10).
Sân bay mới này tự hào có 4 đường băng và dự kiến có khả năng xử lý tới 72 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2025, và đến năm 2040 có thể đạt công suất đến 100 triệu lượt khách. China Southern Airlines và China Eastern Airlines sẽ là các hãng hàng không nội địa chính tại sân bay Đại Hưng, mặc dù Air China cũng sẽ cung cấp một số lượng nhỏ các chuyến bay.
Theo Reuters, chuyến bay quốc tế đầu tiên khởi hành vào hôm nay từ sân bay này là một chuyến bay của Air China đến Bangkok, trong khi British Airways sẽ khai thác chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên tới London. Khoảng 50 hãng hàng không nước ngoài có kế hoạch chuyển tất cả hoặc một phần hoạt động tại Trung Quốc của họ đến sân bay này trong các quý tới.
Việc di dời tất cả các hãng hàng không sử dụng sân bay Đại Hưng sẽ hoàn thành vào mùa đông năm 2021. Air China và các đối tác Star Alliance sẽ vẫn duy trì hoạt động chủ yếu ở Sân bay Quốc tế Thủ đô. Sân bay mới này có kích thước tương đương 100 sân bóng đá và dự kiến sẽ trở thành một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, đáp ứng vị trí trung tâm hàng không toàn cầu, trong bối cảnh nước này được dự đoán sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022.
Tuy nhiên, sân bay này vấp phải một số chỉ trích khi nằm cách khá xa trung tâm Bắc Kinh. Bằng phương tiện giao thông công cộng phải mất hơn một giờ để đến được sân bay tính từ khu thương mại trung tâm của Bắc Kinh, hơn gấp đôi thời gian cần thiết để đến sân bay Thủ đô hiện nay, nơi thường xuyên xảy ra chậm trễ chuyến bay vì thiếu diện tích, năng lực. Các quan chức cho biết sân bay này không chỉ được thiết kế để phục vụ Bắc Kinh, mà còn phục vụ cho tỉnh Hà Bắc xung quanh và thành phố Thiên Tân kế bên, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)