Số ca nhiễm MERS ở Arab Saudi khiến các quan chức y tế nước này lo lắng - Ảnh: Followtheoutbreak
Theo thông tin từ Bộ Y Tế Arab Saudi, số ca nhiễm MERS ở nước này đã lên đến 1.171 người, với 502 bệnh nhân thiệt mạng, kể từ khi virus này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2012.
Chỉ tính riêng trong tuần qua, các nhà chức trách Arab Saudi đã ghi nhận 19 trường hợp tử vong gây ra do virus MERS.
Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm khuẩn đã buộc cơ quan y tế nước này phải đóng cửa phòng cấp cứu của một bệnh viện hàng đầu ở thủ đô Riyad vào tuần trước, sau khi có khoảng 46 người, kể cả các nhân viên y tế của bệnh viện, bị lây nhiễm virus MERS.
Vào tháng 9 này, Arab Saudi đang chuẩn bị đón nhận khoảng hơn 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào chuyến hành hương hàng năm Hajj đến thánh địa Mecca và Medina. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh như hiện nay khiến các quan chức y tế nước này lo lắng về sự an toàn của những người tham gia chuyến hành hương năm nay.
MERS có tỷ lệ tử vong khoảng 40%, đã xuất hiện ở châu Á hồi năm 2003 và giết chết hàng trăm người, chủ yếu ở Trung Quốc.
MERS lần đầu tiên được phát hiện tại Arab Saudi vào năm 2012 và sau đó lan sang các nước khác. Phần lớn các ca nhiễm bệnh xảy ra trên bán đảo Ả Rập, trong đó bao gồm Arab Saudi, Yemen, Bahrain, UAE và Oman. Bệnh này có thể lây truyền từ người này sang người khác, nhưng thường chỉ thông qua tiếp xúc gần gũi.
Vì bệnh này đòi hỏi phải tiếp xúc gần, nên nguy cơ lây lan toàn cầu của MERS được cho là không cao. Tuy nhiên, một ổ dịch đã bùng phát ở Hàn Quốc hồi tháng 5 năm nay sau khi một du khách bị nhiễm trở về từ Arab Saudi, UAE, và Bahrain, khiến 36 người thiệt mạng và 186 người nhiễm bệnh. Đến cuối tháng trước, các nhà chức trách Hàn Quốc đã công bố hết dịch MERS gây tử vong ở nước này.
Hiện Arab Saudi vẫn là quốc gia bị virus MERS hoành hành mạnh nhất.
Bệnh này thuộc về nhóm bệnh do virus corona gây ra, trong đó có cả cảm cúm và SARS. Virus có thể gây ra các triệu chứng như sốt, các vấn đề về đường hô hấp, viêm phổi hoặc suy thận.
Hiện nay chưa có vaccine phòng chống MERS. Những người bị bệnh mãn tính, có hệ thống miễn dịch yếu có nguy cơ nhiễm virus cao hơn người bình thường.