Thế giới

Sức mạnh du lịch từ quốc gia đông dân nhất thế giới

ClockChủ Nhật, 18/06/2023 14:42
TTH - Ấn Độ vừa trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo Tạp chí CNN, mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào ảnh hưởng ngày càng tăng của siêu cường Nam Á này trên trường quốc tế, và ngành du lịch cũng không ngoại lệ.

Ấn Độ khôi phục giao thông đoạn đường sắt bị tai nạn

leftcenterrightdel
Du khách tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh minh họa: ANI/TTXVN 

Các báo cáo gần đây cho biết, đến năm 2024, người dân Ấn Độ được dự báo sẽ chi hơn 42 tỷ USD mỗi năm cho các chuyến du lịch nước ngoài.

Ấn Độ đang trải qua điều mà ông Omri Morgenshtern, Giám đốc Điều hành Công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến Agoda gọi là “sự bùng nổ” du lịch. Trong khi tổng số du khách đến từ một số quốc gia khác cao hơn, thì không có ngành du lịch của quốc gia nào đang phát triển nhanh như ngành du lịch của Ấn Độ.

Một loạt khoản đầu tư táo bạo

Không chỉ về số lượng người dân đi du lịch. Đất nước này đang tiếp tục rót hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành hàng không và củng cố vị thế như một trung tâm du lịch. Các chuyên gia cho hay, phần lớn quỹ đạo tăng trưởng du lịch nước ngoài của Ấn Độ đang được thúc đẩy bởi những cải tiến về cơ sở hạ tầng và sự mở rộng trong lĩnh vực hàng không.

Trong năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch chi 980 tỷ rupee (tương đương 11,9 tỷ USD) đến năm 2025 để xây dựng và hiện đại hóa các sân bay trong nước, theo nguồn tin từ Hãng Thông tấn Reuters. Trong số này có sân bay quốc tế Noida, ở thành phố Jewar thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Sân bay này hiện dự kiến được khai trương vào năm 2024, và sẵn sàng trở thành sân bay lớn nhất châu Á, Tờ Times of India nói thêm.

Nhận định về điều này, ông Gary Bowerman, người sáng lập Check-in Asia, một công ty nghiên cứu và tiếp thị tập trung vào du lịch cho rằng: “Những việc mà Ấn Độ đang làm trong nước hiện đang bắt đầu đơm hoa kết trái. Quốc gia này có thêm nhiều sân bay, nhà ga, và cơ sở hạ tầng hơn so với một thập kỷ trước”.

Kể từ năm 2017, ít nhất 73 sân bay đã được đưa vào hoạt động theo kế hoạch kết nối khu vực của Ấn Độ. Trong khi đó, sân bay quốc tế Indira Gandhi đã lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới trong năm nay.

Cũng theo ông Omri Morgenshtern, sự gia tăng của du lịch nước ngoài từ Ấn Độ là kết quả đầu tư không chỉ của Chính phủ nước này, mà còn của các hãng hàng không tư nhân. “Tôi cho rằng, có sự kết hợp giữa việc Chính phủ đầu tư vào các sân bay và bản thân các hãng hàng không đang thực hiện những động thái rất, rất táo bạo về tăng cường công suất”, ông Omri Morgenshtern nói với CNN.

Được biết, hồi tháng 2 năm nay, hãng hàng không quốc gia Ấn Độ Air India đã mua gần 500 máy bay mới, số lượng nhiều nhất từng được một hãng hàng không mua trong một đơn hàng. Trong 2 năm qua, hãng hàng không này cũng đã tăng tần suất trên các tuyến hiện có, đồng thời bổ sung một số tuyến mới đến các điểm đến chính ở châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh Air India, đầu tháng 6 này, hãng hàng không giá rẻ Indigo thông báo bổ sung 174 chuyến bay mới hàng tuần và 6 điểm đến mới trên khắp châu Phi và châu Á.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, Ấn Độ cũng mở rộng chương trình cho thuê máy bay đối với các tuyến nội địa và quốc tế, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ Jyotiraditya Scindia cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàng không Ấn Độ (CAPA) diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.

Qua đó, để thu hút thêm nhiều du khách Ấn Độ, Giám đốc Điều hành Agoda đề xuất các quốc gia cần nới lỏng các hạn chế về thị thực và tăng số lượng chuyến bay từ Ấn Độ.

Điểm đến hàng đầu của du khách Ấn Độ

Dựa trên dữ liệu do Agoda thu thập, người dân Ấn Độ hiện đang đi du lịch đến đa dạng quốc gia hơn. “Nếu như nhìn vào một khu vực như châu Âu, sẽ thấy nhiều người trong số họ đến Pháp hoặc Thụy Sĩ hơn. Đó là 2 quốc gia không nằm trong 10 điểm đến hàng đầu của người dân Ấn Độ trước đại dịch”, ông Omri Morgenshtern lưu ý.

Năm 2019, 3 điểm đến phổ biến nhất đối với người dân Ấn Độ là Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Khi nói đến khu vực Đông Nam Á, những quốc gia hàng đầu mà người dân Ấn Độ thường lựa chọn hiện nay gần giống như cách đây 5 năm; song, số lượng khách du lịch đã tăng lên.

“Chúng tôi nhận thấy có thêm rất nhiều người dân Ấn Độ đi du lịch đến Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia”, Giám đốc Điều hành Agoda nói thêm. Chẳng hạn như, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam được dự báo sẽ tăng ít nhất 1.000% so với mức trước đại dịch. Khu vực Đông Nam Á nói chung rõ ràng là điểm đến hàng đầu đối với du khách Ấn Độ.

Ngược lại, dữ liệu của Agoda cho thấy, không có nhiều người dân Ấn Độ đi du lịch đến Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc). Ông Omri Morgenshtern nói thêm: “Khi chúng tôi nói chuyện với các cơ quan du lịch, họ công nhận Ấn Độ là một cường quốc đang phát triển, và tất cả đều có kế hoạch. Tuy nhiên, khi nói đến việc quảng bá các điểm đến cho du khách Ấn Độ, họ hiện chỉ mới bắt đầu”.

Lê Thảo (Lược dịch từ CNN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt”

Trước bối cảnh du lịch nội địa còn gặp nhiều thách thức, việc phát động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Để đạt được hiệu quả, Thừa Thiên Huế cũng cần triển khai nhiều giải pháp.

Kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt”
Thái Lan đón hơn 12 triệu du khách trong 4 tháng

Tờ Thailand Business News ngày hôm nay (7/5) cho hay, Thái Lan vừa chào đón hơn 12 triệu du khách chỉ trong vòng 4 tháng. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của đất nước Thái Lan - một điểm đến du lịch nổi tiếng.

Thái Lan đón hơn 12 triệu du khách trong 4 tháng
Vướng mặt bằng, nhiều gói thầu dự án hạ tầng du lịch gặp khó

Dù đã gia hạn tiến độ hoàn thành, nhưng đến nay nhiều hạng mục thuộc các gói thầu của Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch), vẫn chưa thể thi công do chưa có mặt bằng.

Vướng mặt bằng, nhiều gói thầu dự án hạ tầng du lịch gặp khó
Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
Return to top