Thế giới

Thái Lan: Dịch bùng phát mạnh, đe doạ mục tiêu mở cửa lại hoàn toàn đất nước

ClockThứ Năm, 08/07/2021 17:28
TTH.VN - Thái Lan có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu mở cửa đất nước trở lại hoàn toàn trong khoảng 100 ngày tới khi vẫn cần phải duy trì các biện pháp hạn chế cần thiết để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 nguy hiểm nhất từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia này.

Đảo Phuket chính thức mở cửa trở lại đón du khách quốc tếThái Lan sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện cho thế giới hậu đại dịchThái Lan ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 theo ngày ở mức kỷ lụcThái Lan nới lỏng một số hạn chế về dịch vụ ăn uống ở thủ đô

Thái Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng cao trong những ngày gần đây. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Theo các chuyên gia y tế, sự lan rộng của biến thể Delta trên toàn quốc và tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân khiến số ca mắc mới và tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến trong thời gian tới.

Hôm nay (8/7), Thái Lan đã ghi nhận 75 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19, một kỷ lục mới về số ca tử vong theo ngày, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.462 người kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 7.058 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 308.230 người.

Trong khi đó, các bệnh viện đã hết giường cho những bệnh nhân nặng sau khi số ca nhiễm tăng gấp 10 lần kể từ đầu tháng 4/2021, buộc các nhà chức trách phải mở các cơ sở điều trị tạm thời và thậm chí chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện.

Thái Lan, quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc báo cáo về sự lây nhiễm COVID-19, phải vật lộn để ngăn chặn đại dịch sau thành công ban đầu hồi năm ngoái, khi nước này áp đặt một lệnh phong toả nghiêm ngặt.

Nhưng điều đó đã làm tê liệt ngành du lịch vốn rất quan trọng của đất nước và đẩy nền kinh tế Thái Lan vào tình trạng tồi tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha muốn tránh thêm thiệt hại về việc làm và các ngành công nghiệp, do đó đang thúc đẩy đất nước sớm mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, với sự bùng phát của biến thể Delta rất dễ lây lan đang quét qua khu vực, ngày càng có nhiều áp lực buộc các nhà lãnh đạo Thái Lan phải áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.

Tiến sĩ Anan Jongkaewwattana, một chuyên gia về virus học phân tử, cho rằng “việc phong toả nghiêm ngặt là lối thoát duy nhất. Điều này có thể làm tổn hại nền kinh tế ở hiện tại, nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn về lâu dài một khi có thể kiềm chế sự lây lan của đại dịch”.

Đe doạ kế hoạch tái mở cửa

Tháng trước, Thủ tướng Prayut đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng sẽ mở cửa đất nước lại hoàn toàn, đón khách du lịch đã tiêm chủng trong vòng 120 ngày tới. Theo ông, đây là một “rủi ro được cân nhắc” để “giảm bớt đau khổ cho những người mất khả năng kiếm thu nhập”. Thủ tướng Prayut kỳ vọng ngành du lịch, vốn đóng góp khoảng 20% GDP cả nước trước đại dịch, sẽ lại tăng trưởng.

Điều đó có nghĩa là nhiều doanh nghiệp sẽ được phép hoạt động lại bình thường ở Bangkok và các tỉnh lân cận, mặc dù đó là những điểm nóng của làn sóng COVID-19 hiện tại.

Với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày hơn 5.000 người trong tuần qua, chính quyền Thái Lan sẽ xem xét việc phong tỏa Bangkok và các điểm nóng khác nếu cần thiết.

Tiến sĩ Anan nhận định rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, đợt bùng phát ở Thái Lan sẽ tồi tệ hơn so với Indonesia tính theo đầu người, với 20.000 ca/ngày trong vài tháng tới. Tình trạng lây nhiễm không chỉ giới hạn ở các khu xây dựng và các cộng đồng đông đúc mà còn lan rộng hơn thế, “nên những hạn chế hiện tại là không đủ”.

Cần thận trọng

Sự bùng phát ngày càng nghiêm trọng cũng làm tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư đối với chứng khoán và đồng tiền của Thái Lan cũng bị tác động. Đồng baht đang được giao dịch gần mức thấp nhất trong 14 tháng so với đồng USD, trong khi chỉ số chứng khoán SET giảm 3,5% từ mức cao nhất trong 19 tháng đạt được vào giữa tháng 6.

Theo các chuyên gia, mô hình mở cửa lại của đảo Phuket cũng cần được theo dõi chặt chẽ vì một đợt bùng phát COVID-19 lớn ở hòn đảo nghỉ dưỡng này sẽ dẫn đến việc tạm dừng các hoạt động và trì hoãn mọi quá trình phục hồi.

Các công ty Thái Lan cũng đang cảnh giác với việc mở cửa trở lại một cách vội vã mà không kiểm soát hoàn toàn sự bùng phát. Khảo sát của Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cho thấy đa số các doanh nghiệp muốn chính phủ chỉ mở cửa đất nước trở lại khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể.

Ông Somprawin Manprasert, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Ayudhya, cho biết sự phục hồi kinh tế của Thái Lan có nguy cơ bị cản trở do việc triển khai vaccine chậm và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Theo ông, các chính sách tài khóa và tiền tệ phải trực tiếp và nhắm vào những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Đợt bùng phát đại dịch đang ngày càng tăng đã buộc Chính phủ Thái Lan xoá bỏ chính sách bắt buộc nhập viện đối với tất cả bệnh nhân dương tính với COVID-19, lần đầu tiên cho phép cách ly tại nhà. Theo Tiến sĩ Anutra Chittinandana, Chủ tịch Đại học Y sĩ Hoàng gia Thái Lan, để chống lại biến thể Delta, mọi người nên xem xét việc phong toả hoàn toàn một cách tự nguyện để tránh bị nhiễm bệnh. Ông Anutra cũng cảnh báo rằng “nếu không thắt chặt các biện pháp hạn chế, tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch
Thái Lan cảnh báo về 'Bệnh X' tại CHDC Congo

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã gửi cảnh báo tới tất cả các văn phòng của mình về một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm tại CHDC Congo vốn đã khiến hàng trăm người bị bệnh và ít nhất 79 người tử vong kể từ cuối tháng 10 đến nay.

Thái Lan cảnh báo về Bệnh X tại CHDC Congo
Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

Theo dữ liệu vừa được công bố của Tập đoàn UOB, du lịch nội khối của các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, với sự phục hồi về lưu lượng hành khách nói chung trong khu vực. Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội đang diễn ra, nhu cầu du lịch của người dân châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng vẫn đầy hứa hẹn, trong đó du khách có xu hướng ưu tiên đặt các chuyến đi ngắn ngày hơn và tìm kiếm những chuyến du lịch nhanh ra nước ngoài với chi phí tốt nhất.

Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng
Return to top